Sao nhiều súng như vậy?
Dường như tiếng súng không chỉ có trong va chạm giữa một số băng nhóm xã hội, trong các vụ cướp mà còn có thể xuất hiện tại không ít vụ xích mích của người dân gần đây.
Hồi đầu tháng 1, dư luận cả nước phải phen xôn xao khi xảy ra vụ dùng súng vào cướp ngân hàng giữa ban ngày tại Hải Phòng. Chỉ trong 3 ngày, tên cướp bị bắt giữ.
Đến sáng ngày 16/2, trên mạng xã hội lại chia sẻ thông tin, hình ảnh về việc một người đàn ông, khi đi cùng người phụ nữ đến nhà chồng cũ để giải quyết mâu thuẫn tình cảm, đã cầm một vật giống súng đe dọa đối phương. Sự việc được cho là xảy ra ngay tại Hà Nội.
Chưa hết, cũng trong ngày 16/2, tại TPHCM, Công an huyện Bình Chánh cũng đang điều tra truy xét một vụ nổ súng trên địa bàn xã Bình Hưng. Theo thông tin ban đầu, khoảng 21h cùng ngày, có hai người đi xe máy đến trước khu đất đang tranh chấp, sau đó bắn nhiều phát súng vào một ôtô mang biển số tỉnh Kiên Giang rồi rời đi.
Mối quan tâm của công chúng đối với những vụ việc này, tôi cho là xuất phát từ sự hiếu kỳ. Cách giải quyết vấn đề bằng súng đạn tưởng chừng như chỉ có trên phim ảnh vậy mà không hiểu sao, người ta dễ dàng dùng "vũ khí nóng" để mà dọa dẫm lẫn nhau giữa thanh thiên bạch nhật như thế! Súng, đạn bị cấm tàng trữ, sử dụng, lưu hành cơ mà?
Hiện trường vụ nổ súng khiến 2 người thiệt mạng gây chấn động dư luận ở Thái Nguyên.
Chỉ vài ngày trước, ở Thái Nguyên xảy ra một vụ án mạng rúng động. Đó là một vụ nổ súng do người đàn ông tên là Lê Văn Hữu (SN 1981) gây ra, bước đầu được xác định là xuất phát từ mâu thuẫn tiền bạc. Người này sau khi bắn tử vong và làm bị thương hàng xóm thì cũng dùng súng tự sát. Chưa rõ chi tiết câu chuyện đằng sau ra sao nhưng đây là cái kết quá đỗi bi thương, thảm khốc, phải trả giá bằng hai mạng người.
Đến đây câu hỏi "Súng đâu mà lắm thế? Lại còn được dùng ngang nhiên như vậy!" đã chẳng còn là một sự hiếu kỳ, mà còn ẩn chứa nỗi bất an, lo ngại. Một khi người ta có thể tàng trữ và sử dụng súng và các vũ khí sát thương một cách dễ dàng thì trật tự trị an xã hội càng trở nên đáng ngại và không thể chủ quan với tình trạng này.
Đương nhiên, đã là "hàng cấm" thì sẽ được mua bán kín kẽ, thông qua những đường dây ngầm, bất hợp pháp. Thế nhưng, cũng không thiếu những trường hợp buôn bán vũ khí ngay trên mạng xã hội.
Trung tuần tháng 1 vừa rồi, Bộ Công an thông tin Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa triệt phá đường dây mua bán vũ khí. Kho hàng được đặt ngay tại một căn chung cư trên địa bàn Gia Lâm và tại đây, công an phát hiện gần 3.000 công cụ hỗ trợ với nào kiếm, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, dao, gậy ba khúc, chích điện, mã tấu…
Tháng 11/2021, từ một vụ vận chuyển súng trái phép, Công an TP Hải Phòng cũng đã thu giữ nhiều súng, đạn, vũ khí trong căn nhà của một phụ nữ ở phường Kênh Dương, quận Lê Chân.
Giai đoạn trước đó, cơ quan công an cũng đã nhiều lần bắt quả tang các vụ tàng trữ, mua bán vũ khí trái phép ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam… với số lượng lớn súng, đạn được cất giấu. Trong đó, đối tượng buôn bán có những tay cộm cán được coi là "trùm lái súng" nhưng tuổi đời lại còn trẻ như Bùi Đức Hoàng (lúc bị bắt mới 23 tuổi, ở Tây Ninh).
Tác hại gây ra với xã hội của hành vi mua bán vũ khí thì không kể hết. Đáng nói là vũ khí sát thương không chỉ được các nhóm giang hồ dùng để giải quyết mâu thuẫn mà còn được cả những người dân thường dùng đến khi có khúc mắc trong kinh doanh, đòi nợ cho đến vấn đề tình cảm, mâu thuẫn xóm giềng… Dường như súng đạn hiện diện trong đời sống dân sinh ngày càng nhiều hơn?!
Thời của Nhà nước pháp quyền, trên hết phải loại bỏ được tư tưởng và thái độ hành xử theo lối vô thiên vô pháp. Không ai có quyền chĩa súng vào người khác, sử dụng vũ khí trái phép để đe dọa, khống chế đối phương theo lề lối giang hồ, hành xử bằng "luật rừng", coi thường pháp luật.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng sử dụng súng và hung khí trên địa bàn, trước hết chính quyền địa phương cần có sự kiểm điểm. Trong trường hợp có đơn trình báo thì cần vào cuộc kịp thời để giải quyết, tránh để xảy ra xung đột, thương vong cho người dân, nhất là khi lực lượng công an chính quy đã được tăng cường về cấp xã.
Hiện nay, chúng ta đã có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Hình sự quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng... vũ khí và hình phạt với các đối tượng phạm tội. Hành vi, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy vào mức độ hành vi, người phạm tội có thể đối mặt mức án từ 1 năm tù đến tù chung thân.
Các lực lượng chức năng và cả xã hội phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa với tội phạm buôn bán vũ khí và phải tăng hình phạt với các đối tượng buôn bán mặt hàng này.
Sâu xa hơn thế, cần tạo được hơn nữa lòng tin của người dân vào sự bảo vệ của chính quyền, của pháp luật đối với quyền lợi chính đáng của họ. Luật pháp không có chỗ cho bạo lực lộng hành!
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/sao-nhieu-sung-nhu-vay-20220217224122036.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá