Sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là “nút thắt” trong cổ phần hóa doanh nghiệp

Thứ năm, ngày 9 tháng 6 năm 2022 | 0:29

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và việc cổ phần hóa chậm cũng từ khâu này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng nay (8/6) trước Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặc biệt đến quan tâm đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, liên quan đến việc sắp xếp nhà đất và công tác thoái vốn. Trong đó có đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TPHCM), đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) và đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang).

sap xep nha dat phe duyet phuong an su dung dat la nut that trong co phan hoa doanh nghiep hinh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.

Năm 2021, chỉ cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp

Theo đại biểu Quốc hội, việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp. Đặc biệt là việc xác định lại thuế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, đánh giá thương hiệu quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử được quy định tại Nghị định 32 để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng có nhiều cách nghĩ còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu các giải pháp xử lý những vấn đề này như thế nào?

Cũng theo đại biểu Quốc hội, một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến đất đai, dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quan điểm, việc tham mưu với Chính phủ những biện pháp gì trong thời gian tới về vấn đề này?

Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là "nút thắt" trong quá trình cổ phần hóa và sở dĩ vừa rồi cổ phần hóa chậm cũng từ khâu này.

"Báo cáo đại biểu khi trình phương án sắp xếp tài sản công, tức là nhà cửa, đất đai của các doanh nghiệp nhà nước thì Ủy ban nhân dân các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án. Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án hiện nay rất chậm cho nên trong năm 2021 chúng ta chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, tổng số thu ngân sách được 4.402 tỷ. Chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề về mặt luật pháp thì cũng phải được hoàn thiện", ông Hồ Đức Phớc cho biết.

sap xep nha dat phe duyet phuong an su dung dat la nut that trong co phan hoa doanh nghiep hinh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TPHCM.

Đối với ý kiến gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định của Chính phủ, nếu tài sản của doanh nghiệp nhà nước gắn liền với thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất một lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp. "Thực ra đây là một lỗ hổng, cần phải được kiến tạo để làm thế nào đảm bảo được sau khi chuyển sang cổ phần hóa thì đất đai không bị thất thoát", ông Phớc nêu rõ.

Các vụ án xảy ra chủ yếu từ vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi đưa ra là không chuyển mục đích sử dụng đất mà phải thực hiện theo mục đích sử dụng đất phương án đã được phê duyệt; Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc này trái với quy định của Luật Đất đai.

"Vừa rồi chúng ta thất thoát rất nhiều thông qua việc cổ phần hóa về doanh nghiệp nhà nước, mà chủ yếu từ đất, chẳng hạn Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn hay Tổng công ty Công nghiệp Tân Thuận, v.v.. Các vụ án xảy ra chủ yếu liên quan đến đất đai, mà liên quan đến đất đai thì cốt lõi ở chỗ nào, ở từ vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất", ông Hồ Đức Phớc nói.

Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì đất đấy là đất thuê, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ nộp tiền một lần thuê đất là 50 năm. Sau khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì doanh nghiệp cổ phần đấy lại xin Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất. Khi chuyển mục đích sử dụng đất thì lại tính giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất, như vậy tính không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát và từ thất thoát đấy thì rõ ràng liên quan đến tài sản của Nhà nước chuyển qua tài khoản của tư nhân. "Cho nên đây cũng là một vấn đề, là một nút thắt", ông Phớc nêu rõ và cho biết, vừa rồi, Bộ đã tổ chức hội thảo và có nhiều chuyên gia có ý kiến thế này, nếu đại biểu Quốc hội thấy đúng thì chúng ta sẽ quay sửa lại để đảm bảo cho việc phát triển một cách bền vững và lâu dài.

sap xep nha dat phe duyet phuong an su dung dat la nut that trong co phan hoa doanh nghiep hinh 3

Đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.

Theo ông Hồ Đức Phớc, doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất, đất đai là của toàn dân, do Nhà nước đại diện, cho nên khi doanh nghiệp nhà nước là đất thuê với mục đích sản xuất, kinh doanh thì khi chuyển qua là doanh nghiệp cổ phần hay là doanh nghiệp tư nhân thì cùng thực hiện đúng mục đích đấy để sản xuất, kinh doanh theo đúng mục đích đấy để sản xuất kinh doanh theo đúng mục tiêu được phê duyệt trong phương án sử dụng đất.

Trong khi đó, nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đấy và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Điều đấy có nghĩa là địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi của doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết. Việc này sẽ có lợi là sẽ thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế. Tức là doanh nghiệp cổ phần hóa để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp đấy, chứ không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, để thải hồi công nhân, để bán máy móc, thiết bị và lấy khu đất này để bán, lấy địa tô chênh lệch chuyển qua đất ở hay là loại đất khác.

"Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta làm được điều đấy thì chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt là sức mạnh của doanh nghiệp sẽ nâng lên. Như vậy cũng không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để cổ phần hóa", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

 

 

Nguồn https://congluan.vn/sap-xep-nha-dat-phe-duyet-phuong-an-su-dung-dat-la-nut-that-trong-co-phan-hoa-doanh-nghiep-post198296.html