Sau bạch hầu, bệnh sởi, ho gà cũng diễn biến phức tạp
Tình hình bệnh sởi, ho gà tại một số tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp.
Ngày 11-7, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3935/BYT-KCB về việc tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Phong Lan
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch sởi, ho gà trong cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế các ngành lập kế hoạch phòng, chống sởi, ho gà và triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống các bệnh này trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng giám sát, phát hiện kịp thời trường hợp mắc mới, điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng, xử lý khi có ổ dịch sởi, ho gà. Đồng thời, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo bệnh viện trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh sởi, ho gà; điều trị kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp chuyển nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra ổ dịch sởi, ho gà tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị, Sở Y tế các địa phương thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng sởi, ho gà năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hằng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động tiêm chủng, cập nhật đầy đủ đối tượng trên nền tảng quản lý thông tin tiêm chủng.
“Ngành Y tế các địa phương thực hiện rà soát bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ”, Bộ Y tế nêu rõ.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với dịch bệnh; kế hoạch dự phòng và ứng phó với dịch bệnh theo các mức độ, quy mô của dịch.
Ngoài ra, ban hành các hướng dẫn, quy trình ứng phó khi có ca nhiễm, nghi nhiễm đến khám tại đơn vị, bao gồm quy trình phân luồng, khám sàng lọc, cách ly, đưa người nhiễm vào khu điều trị.
Bộ Y tế đề nghị, sẵn sàng các khu vực cách ly điều trị hoặc cách ly tạm thời cho người nhiễm, nghi nhiễm sởi, ho gà tùy theo quy mô và chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý y tế địa phương.
Cùng với đó, tiến hành điều tra dịch ngay khi có ca bệnh sởi, ho gà đầu tiên. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi, ho gà.
Đối với các trường hợp nhẹ, không có biến chứng, có thể hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà, trạm y tế.
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa
- Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm sau khi vô tình đọc báo
- Bé 4 tuổi đi cấp cứu với tiên lượng tử vong do biến chứng đái tháo đường
- 4 triệu chứng ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường đã nghiêm trọng
- Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng
- 4 thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư
- Ngứa cảnh báo tình trạng nguy hiểm không chỉ là bệnh ngoài da khi trời hanh khô
- Căn bệnh khiến nhiều người không bao giờ tỉnh lại vào ngày hôm sau
- Bác sĩ trẻ phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối từ 2 dấu hiệu mờ nhạt