Sẽ có 5,3 tỷ thuê bao 5G vào cuối năm 2029
Theo ước tính mới nhất của Ericsson, thuê bao 5G toàn cầu sẽ tăng hơn 330%, từ 1,6 tỷ năm 2023 lên 5,3 tỷ năm 2029.
Nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông Ericsson vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình triển khai 5G trên toàn cầu. Theo đó, bất chấp khó khăn kinh tế và bất ổn địa chính trị ở một số nơi, ước tính gần 1/5 tổng số thuê bao di động thế giới là thuê bao 5G vào cuối năm nay nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, năm 2023 có khoảng 610 triệu thuê bao 5G mới, tăng 63% so với năm 2022, nâng tổng số thuê bao 5G lên hơn 1,6 tỷ. Người dùng chủ yếu sử dụng 5G để truy cập không dây cố định, chơi game và các dịch vụ AR/VR.
Ericsson dự đoán 5G phát triển ổn định, lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu tăng gấp ba từ năm 2023 đến 2029. (Ảnh: telecomstechnews)
Tại Việt Nam, 5G là nền tảng hạ tầng quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. ”Trong giai đoạn đầu, 5G sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cung cấp trải nghiệm băng thông rộng di động nâng cao cho người tiêu dùng, cũng như nâng cao công suất của các hệ thống mạng để quản lý lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng”, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam, cho hay.
Ericsson dự báo từ nay đến năm 2029, thuê bao 5G toàn cầu sẽ tăng hơn 330% lên 5,3 tỷ. Vùng phủ sóng 5G dự kiến đáp ứng cho hơn 45% dân số vào cuối năm 2023 và 85% vào cuối năm 2029. Tỷ lệ thâm nhập cao nhất ước tính diễn ra ở Bắc Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở mức 92%, tiếp theo là Tây Âu (85%).
Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc các hệ thống mạng Ericsson, nhận xét số lượng thuê bao 5G tăng thêm cho thấy nhu cầu kết nối hiệu suất cao là rất lớn. Ngày càng có nhiều mạng 5G độc lập được triển khai, mang lại cơ hội hỗ trợ các ứng dụng mới có yêu cầu băng thông cao hơn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Xét theo khu vực, tính đến cuối năm nay, Bắc Mỹ có tỷ lệ sử dụng 5G cao nhất thế giới với mức 61%. Ấn Độ cũng là nước ghi nhận tăng trưởng thuê bao 5G mạnh mẽ: 14 tháng sau khi 5G triển khai ở đây, tỷ lệ thâm nhập 5G dự kiến đạt 11%.
Tại Đông Nam Á và châu Đại Dương, thuê bao 5G dự kiến đạt 550 triệu. Lưu lượng dữ liệu di động trên điện thoại tiếp tục tăng mạnh, ước tính tăng từ 24GB/tháng năm 2023 lên 66GB/tháng năm 2029, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 19%.
Mức tiêu thụ dữ liệu trung bình toàn cầu trên điện thoại không ngừng tăng lên. Tổng lưu lượng dữ liệu di động ước tính sẽ tăng gấp ba từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2029, do khả năng của thiết bị được cải thiện, gia tăng nội dung sử dụng nhiều dữ liệu và hiệu suất mạng được nâng cao.
Ông Peter Jonsson, Tổng biên tập Báo cáo Di động Ericsson chỉ ra, tốc độ tăng trưởng dữ liệu trong mạng di động phản ánh rõ ràng sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các ứng dụng liên quan đến băng thông rộng di động nâng cao. Xu hướng này sẽ tăng nhanh khi người dùng 5G gia tăng và các trường hợp sử dụng mới xuất hiện. Vì hầu hết lưu lượng truy cập được tạo ra trong nhà, nhu cầu mở rộng vùng phủ sóng băng tần 5G tầm trung cả trong nhà và ngoài trời để đảm bảo trải nghiệm 5G toàn diện ở tất cả các địa điểm đang ngày càng tăng.
Băng tần 5G tầm trung kết hợp dung lượng cao với vùng phủ sóng tốt, trở thành lựa chọn lý tưởng để mang lại trải nghiệm 5G đầy đủ. Phạm vi phủ sóng dân số đối với băng tần 5G tầm trung trên toàn cầu hiện là hơn 40%, tăng từ 30% vào năm 2022. Sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi các hoạt động triển khai băng tần tầm trung quy mô lớn ở Ấn Độ, đồng thời có một số triển khai băng tần tầm trung ở châu Âu.
Tại tọa đàm ”Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số”, ông Nguyễn Duy Luân, chuyên gia mạng không dây của Huawei, chia sẻ 2G và 3G đang sử dụng băng tần ”vàng” (hầu hết 2G dùng băng tần 900MHz). So với băng tần 1800MHz của 4G, băng tần 900MHz có lợi thế vùng phủ rộng hơn nhiều. Ví dụ, cùng một khu vực, nếu dùng băng tần 1800MHz cần khoảng 1.000 trạm, nhưng nếu dùng băng tần 900MHz sẽ giảm được một nửa số trạm. Dùng băng tần thấp sẽ tiết kiệm được chi phí, cùng một chất lượng mạng lưới nhưng chi phí cung cấp thấp hơn. Đây là hiệu quả rõ rệt, tác nhân chính để tắt công nghệ cũ, chuyển dịch sang công nghệ mới như 4G, 5G.
Tắt công nghệ cũ như 2G và 3G là xu hướng chung của thế giới. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc TrueIDC Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam nên tắt sóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho công nghệ mới. Đây là băng tần vàng và được nước ngoài xem là tài nguyên quý giá.
Cũng tại tọa đàm, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT), thông tin thêm: Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900MHz sẽ được xem xét quy hoạch lại, quy hoạch mới sẽ đảm bảo việc phân chia phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G. Tần số sau tháng 9/2026 sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho các đơn vị phát triển công nghệ 4G, 5G; không còn công nghệ 2G trên băng tần 900Mhz.
- Mạng xã hội Threads có thêm 35 triệu người dùng nhờ Elon Musk và Donald Trump
- Nhiều startup công nghệ thắng lớn tại Techfest Việt Nam 2024
- Indonesia: Apple đã rót hơn 15 tỷ USD vào sản xuất tại Việt Nam
- Chuyển đổi số để phát triển quận Bắc Từ Liêm xứng tầm
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- OpenAI chi bao nhiêu để mua nội dung đào tạo ChatGPT?
- OpenAI nhắm đến hai địa hạt thống trị của Google
- Doanh nghiệp Việt loay hoay tăng thu giảm chi bằng chuyển đổi số
- Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số