Sẽ xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giữ nguyên các đối tượng được quy định trong Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, trong đó có các Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ tám như Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi);
Bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố; chưa bổ sung vào dự thảo Luật thân nhân của dân quân thường trực do Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng này. Quy định đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Về quy định phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức khám, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, như: Khám, chữa bệnh từ xa; khám, chữa bệnh y học gia đình; khám, chữa bệnh tại nhà.
Quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong khám, chữa bệnh; giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định giảm thời gian cấp thẻ bảo hiểm y tế từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp ý kiến liên quan đến đối tượng được hưởng; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm y tế; việc thu bảo hiểm y tế trường học…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến tại phiên thảo luận, liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, hiện có hai luồng ý kiến. "Tuy nhiên, các cơ quan Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chúng tôi rất muốn đối tượng triển khai thực hiện ổn định trong thực tiễn cũng sẽ được đưa vào để thấy được đối tượng và quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế...
Về quy định chuyển tuyến, Bộ Y tế đã cùng với Ủy ban Xã hội dự kiến các phương án, trường hợp chuyển tuyến và những trường hợp thuộc đối tượng bệnh hiểm nghèo, bệnh phẫu thuật cần phải phẫu thuật thì thực hiện tuyến trên”, Bộ trưởng nói.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ tám.
- Lễ cầu siêu tưởng niệm liệt sĩ và nạn nhân đợt thảm sát bằng bom B52 năm 1972
- Doanh nhân nặng lòng với quê hương
- Tuyến đường xây dựng 4 năm chưa hoàn thành
- Cơ hội học tập và làm việc quốc tế cho lực lượng bộ đội, công an sau xuất ngũ
- “Nhảy việc” - cơ hội và thách thức
- Đã xác định danh tính 3 người tử vong trong vụ phóng hỏa trên đường Phạm Văn Đồng
- Chi từ Quỹ Bảo hiểm y tế vượt dự toán: Kiểm soát chặt chẽ, chống lãng phí
- Nhiều chỉ tiêu an sinh xã hội vượt kế hoạch năm
- Chia sẻ khó khăn với người yếu thế