‘Siết chặt kiểu này thì ngày càng lỏng’

Thứ bảy, ngày 7 tháng 5 năm 2022 | 8:22

Cũng trong phiên họp về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Thường vụ QH ngày 25/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu hàng loạt câu hỏi về đầu tư công.

Theo Chủ tịch QH, cần báo cáo thẳng ra QH, vì sao năm 2020 dịch bệnh diễn ra, nhưng giải ngân đầu tư công được 98%, trong khi năm 2021 còn được 83%, ba tháng đầu năm 2022 chỉ được 11%; rằng tiết kiệm được nhiều hơn là từ đâu, địa phương, bộ ngành nào nổi bật nhất; rằng hàng loạt dự án đầu tư quan trọng quốc gia đã chậm tiến độ, lãng phí nguồn lực thế nào…

“Cần nói thẳng, còn cứ chung chung việc nọ việc kia, hoàn thiện thể chế, tăng cường với siết chặt, nhưng siết chặt kiểu này là ngày càng lỏng”, ông nói và hỏi thêm “vì sao một số lại lắm thế” khi đề cập một số địa phương, một số ngành không hoàn thành giải ngân đầu tư công.

Những vấn đề trong đầu tư công đã được nhìn nhận, tổng kết và được đề xuất nhiều giải pháp khắc phục. Nhưng đến nay, đầu tư công vẫn là vấn đề nhức nhối trong các công việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, và còn thấp thua xa so với kỳ vọng của xã hội.

Về nguyên nhân, nếu truy đến cùng, thì sự thật về đầu tư công đã và đang được nhận biết từ “nhìn bên cạnh” nhiều hơn là từ “nhìn thẳng”, theo đó tồn tại yếu kém chỉ là “một số”, thậm chí “quá nhiều một số” chứ không phải ở hệ thống, từ luật đến thực hiện. Đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn này để thấy rằng đầu tư công đã và đang mắc lỗi hệ thống để đề ra các giải pháp sửa chữa ở cấp độ hệ thống. 

Người đầu tư công phải thực sự là người sở hữu vốn đầu tư công để “của đau con xót”

Với bất kỳ dự án đầu tư công nào, thì vốn đều là từ NSNN ở mức độ 100% hay thấp hơn, nhưng đều là loại “vốn mồi” để từ đó thu hút sự đầu tư tiếp theo của các nguồn vốn ngoài NSNN. Bởi vậy, người đầu tư công phải thực sự là người sở hữu vốn đầu tư công để “của đau con xót”, đầu tư vào đâu phải thu được hiệu quả cao nhất trong phạm vi có thể.

Trong đầu tư công, mặc dù đã phân loại thành dự án nhóm A, B, C nhưng vẫn không phân định được ai hoặc tổ chức nào là chủ sở hữu vốn đầu tư của các dự án trong từng nhóm đó. Đây là một sự thật cần được nhìn thẳng để có giải pháp đúng và trúng.

Do chỉ nhìn “bên cạnh” nên hàng thập kỷ qua, đầu tư công chỉ loay hoay sửa đổi, bổ sung về phân công, phân cấp. Mọi thành công của hàng loạt những sửa đổi, bổ sung đó vẫn chỉ nằm trong phương diện Quản lý nhà nước về đầu tư công chứ không phải về Sở hữu nhà nước đối với vốn đầu tư công.

Quản lý nhà nước về đầu tư công và Sở hữu nhà nước về vốn đầu tư công là 2 lĩnh vực khác nhau về nhiều phương diện, không thể nhập cục làm một hoặc thay thế cho nhau được.

Hàng chục năm qua, QH, Chính phủ, bộ, ngành, HĐND và UBND các cấp vẫn thực hiện công việc quản lý nhà nước về đầu tư công, nhưng không một ai, một tổ chức nào trong đó chịu trách nhiệm về mặt sở hữu bất cứ đồng vốn đầu tư công nào.

Hàng loạt dự án đầu tư công có quy mô lớn nhỏ, thậm chí lên tới tỷ USD đổ vỡ, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được người hoặc tổ chức nào chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân về sự đổ vỡ đó.

Ngược lại, nhiều dự án đầu tư công đạt được những thành công lớn, nhưng lương của những người làm nên thành công đó vẫn y như xưa, không tạo nên động lực, không khuyến khích.

Lẽ ra, cần làm rõ tư cách của người sở hữu vốn nhà nước chứ không chỉ dừng lại ở tư cách là người quản lý nhà nước đối với đầu tư công.

Xã hội đang kỳ vọng trầm kha về đầu tư công sẽ được nhìn thẳng thắn, không né tránh trong thời gian tới, từ đó có giải pháp căn cơ, hệ thống. Nếu nhà nước đã không tiếc tiền để trả lương cho một bội số người làm quản lý vốn nhà nước, thì sao không bớt đi một phần để ký hợp đồng thuê người làm chủ sở hữu vốn đầu tư công? Chủ sở hữu này vì sao phải lảng tránh, trầm kha đến bao giờ?

Lương giả, thu nhập thật

Nhân đề cập đến hệ thống lương và động lực, cần nhắc tới những nỗi khổ của người làm công ăn lương từ NSNN như công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong bộ máy 4 cấp của nhà nước. Đó là về thực trạng lương giả, thu nhập thật.

Ảnh minh họa

Những người này từ lâu đã nhận ra rằng tiền lương do NSNN chi cho họ đều là lương giả bởi chỉ trao họ một thu nhập thật đủ để trang trải một phần những chi phí tái sản xuất sức lao động (mở rộng) của họ.

Trong số họ, một tỷ lệ nhỏ cam chịu nên cuộc sống rất khó khăn; một tỷ lệ đông đảo đã được nhà nước cho làm thêm để có thêm thu nhập; một tỷ lệ không nhỏ khác đã tự thực hiện các hành vi bất hợp pháp để làm giàu và làm giàu phi mã.

Vậy là lương giả đã hầu như làm cho hệ thống nhân sự làm công ăn lương từ NSNN không toàn tâm toàn ý làm việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được nhà nước giao.

Năng suất thấp, hiệu quả kém, suy thoái biến chất tăng đã làm cho bộ máy nhà nước tuy ngày càng đông về nhân sự nhưng ngày càng phát sinh những trì trệ, trên nóng dưới lạnh, dọc không thông suốt, ngang không ăn nhập. Bộ máy này đã phấn đấu giảm 10% tổng biên chế hàng năm, nhưng 2021 mới là năm đầu tiên đạt được chỉ tiêu này.

Hệ thống hành chính 4 cấp đã không ít lần phát hiện có cấp trung gian không cần thiết, và đã 10 năm làm thí điểm bỏ cấp này tại 10 tỉnh, thành phố, nhưng rồi đâu lại vào đấy, không bỏ được gì.

Đến nay, Việt Nam có gần 98 triệu dân, nhưng danh sách người làm công ăn lương đã lên tới trên 2,7 triệu, nghĩa là 30 người dân phải cáng đáng nuôi 1 người hưởng lương NSNN, tỷ lệ cao bậc nhất thế giới.

Trầm kha về lương giả tuy đã rõ về thực trạng, nhưng đã bị bỏ qua về giải pháp xóa bỏ, gây nhiều chiều bức xúc trong xã hội.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ hoàn toàn có lý, có tình khi phê phán tình trạng “3 sôi, 2 lạnh” khi nhìn nhận và giải quyết những trầm kha đang “nhiều lắm rồi” trong xã hội.

Yêu cầu của ông về nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về Đổi mới. Nâng cao, tăng cường, đẩy mạnh những cái cũ là cần thiết nhưng hoàn toàn không đủ, phải có những cái mới, cái đột phá chưa ai làm, chưa nơi nào làm. Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây 500KV, Bí thư Kim Ngọc với khoán 10, nông dân làm máy gặt đập liên hợp... Đó là những tiền lệ về những người từ cấp cao nhất đến người dân bình thường nhất đã dám nhìn thẳng vào sự thật để làm thật, tạo thành tựu thật.

Những báo cáo, dự án trình QH nói riêng, trình cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp nói chung nếu cứ vẫn “3 sôi, 2 lạnh”, không đọng lại được điều gì, thì sau hồi chuông cảnh tỉnh này phải được chấm dứt, và tuyệt đối không được phê chuẩn, phê duyệt, thông qua để cuộc sống bớt đi được những ách tắc, trì trệ, vững bước trên hành trang Đổi mới.

 

 

Xem lại bài 1Nhìn thẳng hay nhìn nghiêng vào sự thật

 

Nguồn

https://vietnamnet.vn/siet-chat-kieu-nay-thi-ngay-cang-long-2016610.html