Sinh viên thiếu kỹ năng, tư duy phản biện
Phương pháp học đại học (ĐH) hiện lấy người học làm trung tâm, song sinh viên (SV) vẫn còn thụ động, thiếu kỹ năng và tư duy phản biện.
SV nên mạnh dạn trao đổi với giảng viên những vấn đề còn thắc mắc (Ảnh minh họa)
Ngại & sợ
Đem sự không hài lòng ở tiết học ra chia sẻ với bạn bè, B.C. SV một trường ĐH tại Huế cho rằng một số kiến thức thầy cô giảng dạy khó áp dụng thực tế, song khi được hỏi tại sao không phản biện trên lớp, B.C thú thật là ngại, không dám nói.
Chuyện tương tự diễn ra khá phổ biến, trở thành thực trạng chung của SV. Làm cuộc khảo sát nhỏ, kết quả cho thấy đa số SV ít phản biện, tranh luận trên lớp vì lý do ngại và sợ. Theo nhiều SV, ngay từ lúc học phổ thông đã quen cách dạy học theo kiểu một chiều từ thầy cô. Một số trường hợp muốn trao đổi nhưng sợ mang tiếng "cãi" thầy cô, hoặc bị ghét.
Ngại một phần, thiếu kỹ năng phản biện là “mẫu chung” dẫn đến thực trạng trên. P.X.Đ, SV Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, tranh luận cần đưa ra dẫn chứng, cách nói thuyết phục nhưng đây là vấn đề không phải ai cũng làm được, SV thường vấp phải tình trạng muốn nói nhưng “đuối lý” khi tương tác với giảng viên.
Hạn chế về kỹ năng, tư duy phản biện của SV dẫn đến cách học thụ động, lớp học mang tính thầy đọc – trò chép, học từ giáo trình là chính và khó mở rộng kiến thức, điều này chưa phù hợp với phương pháp học ĐH hiện nay. Trong tham luận liên quan đến tư duy phản biện tại Hội thảo "Vai trò Công đoàn ĐH Huế trong cuộc cách mạng 4.0”, giảng viên Nguyễn Thị Thanh Bình, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cũng chỉ ra SV do đã quen với vai trò bị động, nên không thể đưa ra các phản hồi hay nhận xét mang tính cá nhân. Còn theo nhiều giảng viên đang giảng dạy tại Huế, hướng đào tạo hiện nay khá mở, vấn đề là SV còn rụt rè và chưa biết cách phản biện.
Thay đổi từ nhiều phía
Thiếu tư duy, kỹ năng phản biện ít nhiều ảnh hưởng chất lượng giáo dục bởi nếu thụ động học theo sách và kiến thức thầy cô truyền dạy, SV khó có cơ hội mở rộng kiến thức, tiếp cận vấn đề thực tiễn đã được cập nhật. Đáng nói, hạn chế về tư duy, kỹ năng phản biện sẽ ảnh hưởng SV khi ra trường do thói quen ngại và sợ nên cơ hội phát triển bản thân khó hơn.
TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế thẳng thắn, điểm hạn chế của SV là nhiều trường hợp còn lười, vẫn còn tâm lý học theo lối thu nhận kiến thức để thi, ít có sự mày mò, nghiên cứu cái mới. Song, không thể đổ lỗi toàn bộ cho SV. Thực tế, một số giảng viên vẫn còn dạy theo lối truyền thống truyền thụ kiến thức, chưa tạo được môi trường, công cụ để SV trao đổi.
Thực trạng trên cần phải được thay đổi. Phương pháp học theo tín chỉ được áp dụng nhiều năm qua với tinh thần “lấy người học làm trung tâm”. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, định hướng đến năm 2020, nền giáo dục Việt Nam đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế thì chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện và lúc đó việc xem xét phát triển tư duy phản biện trong lớp học là điều cần thiết.
Điều chắc chắn, để thay đổi thì giải pháp phải đến từ nhiều phía. Nhà trường, giảng viên, cần định hướng, tạo môi trường cho SV tranh luận, qua đó tạo cho họ thói quen, phương pháp học tập hiệu quả. Thầy cô nên khuyến khích người học mở rộng kiến thức, lắng nghe hay cởi mở đối với việc người học có quan điểm khác với mình. Trong lớp học, giảng viên nên tổ chức cho người học tranh luận với nhau thường xuyên, yêu cầu người học tự chứng minh quan điểm của mình, hướng dẫn họ cách thức đánh giá một vấn đề, cách thức lập luận thuyết phục trong nội dung mình đang giảng dạy.
Theo TS. Trương Quý Tùng, để thay đổi thực sự thì rất cần các nhà quản lý giáo dục phải đặt vấn đề phải đổi mới và làm thực chất, có những theo dõi, đánh giá sát sao giảng viên. Điều tiên quyết phải tránh tâm lý cả nể khi giảng viên chậm đổi mới, phương pháp giảng dạy không phù hợp.
SV là chủ thể và họ cần có vai trò trong vấn đề này. Ngoài chủ động hơn trong phương pháp học ĐH và trau dồi vốn kiến thức, sẵn sàng phản biện khi cần, họ cũng nên loại bỏ việc tiếp nhận thông tin một cách thụ động, học vẹt… Ngoài ra, cũng cần loại bỏ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tư duy phản biện, nhất là những định kiến xã hội đã hằn sâu vào tiềm thức như thầy cô là chân lý, nói ngược lại ý kiến người lớn là "hỗn" (!)...
Bài, ảnh: Hữu Phúc
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở