Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh tại Hà Nội

Thứ hai, ngày 8 tháng 8 năm 2022 | 16:26

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận gần 150 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,3 lần so với tuần trước.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra các dụng cụ chứa nước ở tại Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra các dụng cụ chứa nước ở tại Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.

CDC Hà Nội cho hay, tổng số ca mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay (608 ca) nhiều gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Trong tuần trước, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại quận Đống Đa, Thanh Oai, Thường Tín, Long Biên và Hoài Đức. Hiện tại còn 13 ổ dịch tại 9 quận, huyện.

Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho hay, hiện mỗi ngày viện ghi nhận từ 5 đến 7 bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị. Đa số bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau mỏi người.

Một số người xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, chảy máu mũi. Nặng hơn, các bệnh nhân nữ còn bị xuất huyết âm đạo, rối loạn kinh nguyệt.

Đặc biệt, Khoa Truyền nhiễm của cơ sở y tế này đã tiếp nhận một số bệnh nhân gặp biến chứng tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Theo các bác sĩ, biến chứng này thường có nguy cơ xuất hiện vào khoảng ngày thứ 4-5. Biến chứng diễn biến tùy từng người, không phụ thuộc vào độ tuổi, bệnh lý nền hay tiền sử bệnh tật trước đó.

Sau giai đoạn sốt cao đột ngột, liên tục, thường từ ngày 3-7 của bệnh, bệnh nhân bước vào giai đoạn nguy hiểm dù lúc này có thể họ còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây cũng là điều khiến nhiều bệnh nhân chủ quan, nghĩ hết sốt coi như hết bệnh.

Trong giai đoạn trên, bệnh nhân có thể bị đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau, nhất là ở vùng gan. Họ còn vật vã, lừ đừ, li bì, nôn ói.

Đây là cũng là thời kỳ bệnh nhân có biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Trong đó có tình trạng tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt.

Nếu thoát huyết tương nhiều, bệnh nhân dễ dẫn đến sốc với các biểu hiện như: Vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

 

Ngoài xuất huyết dưới da, bệnh nhân còn có thể bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.

Một số bệnh nhân xuất huyết nặng hơn, chảy máu trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng thường kèm theo tình trạng sốc, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày-tá tràng, viêm gan mạn. Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.

Hôm qua, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là nữ bệnh nhân 25 tuổi ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện trong tình trạng ngưng tim, sốt xuất huyết ngày thứ 4, choáng nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim.

Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân đã có mạch, tim phổi trở lại nhưng huyết áp vẫn không đo được. Đến chiều tối cùng ngày, tình trạng bệnh nhân xấu hơn và qua đời.

Trước đó, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ ngày 2/8 và tự điều trị. Đến ngày 5/8, bệnh nhân giảm sốt, khỏe hơn nhưng bị đau lưng. Ngày hôm sau người nhà thấy bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, tím tái nên vội vàng đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Bộ Y tế cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, ít nhất 45 trường hợp tử vong. Cơ quan này khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.