“Số hóa” để gia tăng xuất khẩu

Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2023 | 10:2

Trong thời đại “số hoá”, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã có xu hướng đầu tư theo chiều sâu với thương mại điện tử.

Ngày càng nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để nhập khẩu vì sản phẩm từ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu (XK) cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng. Trong thời đại “số hoá”, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều DN đã có xu hướng đầu tư theo chiều sâu với thương mại điện tử (TMĐT).

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử bớt chi phí

Theo báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com, hơn 50% DN lựa chọn thử sức với kênh TMĐT hoặc số hoá và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều DN Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực XK, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.

334725016_715630576941150_9026257713198687285_n.jpeg -0

Hàng hóa Việt Nam đang đứng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới.

Chia sẻ với PV Báo CAND chiều 2/3, bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương cho biết, trước sự phát triển của các sàn TMĐT, công ty đã lựa chọn đầu tư cho sản phẩm bán online trên Alibaba.

“Công ty chuyên XK hàng mây tre đan, thị trường chính là Mỹ và châu Âu. Với hướng online chúng tôi tập trung đầu tư phát triển cho sản phẩm, quảng bá trên các nền tảng bán hàng, xây dựng đội ngũ làm việc chuyên nghiệp. Chi phí quản lý giảm đi đáng kể. Bởi, như trước đây công ty phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ lớn trên thế giới. Với cách này rất tốn kém về thời gian chuẩn bị (có khi mất vài tháng cho một lần tham gia), chi phí gian hàng, vận chuyển và nhân sự là rất lớn. Trong khi đó, tỷ trọng doanh thu giữa online và offline khá chênh lệch. Doanh tu từ online là 85% và offline là 15%,” bà Tâm nhấn mạnh.

Ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế và Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần cà phê Mê Trang (METRANG COFFEE) cho rằng, từ năm 2022 công ty đã xây dựng lại kế hoạch chiến lược khai thác trên nền tảng TMĐT, tận dụng cơ hội thị trường rộng mở của sàn Alibaba để bán hàng. Bán hàng qua Alibaba đã giúp Metrang Coffee bù đắp lại các đơn hàng bị huỷ do khó khăn của thị trường cùng với đó tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí. Trung bình mỗi năm DN chi khoảng 60.000 USD cho việc tham gia các hội chợ quốc tế trực tiếp. Tuy nhiên, trước khó khăn của thị trường, công ty đã chuyển hướng đặt kế hoạch marketing lên sàn TMĐT, giúp cho DN vươn tới những thị trường mà hội chợ quốc tế không vươn tới.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cho rằng, trong xu thế số hoá, công ty đã tập trung bán hàng trên các sàn TMĐT như Alibaba, Kompass, Global Spec. Với sản phẩm đặc trưng là thép đúc việc bán hàng trên các sàn TMĐT cũng giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng khác nhau trên thế giới. Để bán hàng trên các sàn TMĐT, DN cũng được hỗ trợ tư vấn, tập huấn của các bộ, ngành và các sàn TMĐT. Bởi để xây dựng được niềm tin của khách hàng thì DN phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng cũng như những tiêu chuẩn kỹ thuật của nước sở tại.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM- Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT là một kênh XK tốt cho DN Việt, đến nay nhiều DN đã quan tâm, đầu tư cho mảng kinh doanh này. Theo đó, từ 1.000 DN được huấn luyện, đào tạo trong năm 2020 đến nay đã nâng lên hàng chục nghìn DN Việt Nam được hỗ trợ đào tạo và có tài khoản đăng ký trên các nền tảng TMĐT của một số sàn quốc tế lớn và trong số đó có một tỷ lệ khá cao là đã bán hàng và có doanh thu trực tiếp từ XK trực tiếp này trên nền tảng của Alibaba.

Tạo dựng niềm tin

XK qua TMĐT mang lại kết quả khả quan, nhưng khi làm việc ở thị trường xuyên biên giới, bà Hoàng Thanh Tâm cho rằng, DN cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng niềm tin của khách hàng, cạnh tranh thị trường, rủi ro về thanh toán, chênh lệch múi giờ, thị hiếu khách hàng, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau ở mỗi châu lục…

Theo ông Dương Khánh Toàn, khi tham gia TMĐT, DN cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng. Đây không chỉ là một kênh bán hàng mà còn là một kênh maketing hiệu quả. TMĐT là một xu thế tất yếu, đối với DN, mảng B2B, TMĐT đóng vai trò lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nhà mua hàng có xu hướng lên mạng tìm kiếm các nhà cung cấp, nhưng điều quan trọng là xây dựng được niềm tin cho các nhà mua hàng.

Ông Vũ Bá Phú cũng cho rằng, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía DN cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các qui định của thị trường nhập khẩu.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), XK Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho DN. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các DN phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là TMĐT cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Nguồn: https://cand.com.vn/