Số phận của tội phạm có 7 khuôn mặt, liên tục phẫu thuật để lẩn trốn suốt 15 năm
NHẬT BẢN - Sau khi giết người cướp của, Fukuda không ngừng phẫu thuật thẩm mỹ để trốn tránh pháp luật. Nữ sát nhân được gọi tên là "người phụ nữ có 7 khuôn mặt"
Trong lịch sử, rất nhiều tội phạm khét tiếng từng phẫu thuật thẩm mỹ nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng vẫn bị phát hiện bởi các hành động bất thường, thói quen khó bỏ và khuôn mặt dù chỉnh sửa như thế nào vẫn có nét gợi nhớ tới hình ảnh trước đây.
Nữ sát nhân có 7 khuôn mặt
Một trong những sát nhân ngoài vòng pháp luật lâu nhất nhờ phẫu thuật thẩm mỹ là Kazuko Fukuda. Người phụ nữ này sinh năm 1948 tại Matsuyama (Nhật Bản) trong một gia đình phức tạp khi mẹ điều hành đường dây mại dâm. Bản thân Fukuda cũng phải vào tù từ năm 18 tuổi do trộm cắp.
Gương mặt Kazuko Fukuda thay đổi liên tục nhưng vẫn bị phát hiện. Ảnh: Tokyo Reporter
Tới năm 1982, khi 34 tuổi và có 4 người con, Fukuda tiếp tục lún sâu vào con đường tội ác. Cô ta bóp cổ chết nữ tiếp viên làm cùng tại quán rượu. Sau đó, kẻ giết người đã lấy tiền mặt và đồ đạc của nạn nhân, tổng cộng khoảng 64.000 USD, để trả nợ.
Theo Tokyo Reporter, Fukuda phẫu thuật thẩm mỹ mắt và mũi tại một bệnh viện ở Tokyo và không ngừng thay đổi nhân dạng. Truyền thông sau này gọi nữ sát nhân là “người phụ nữ có 7 khuôn mặt”.
Trong gần 15 năm sau đó, Fukuda tìm mọi cách sống ẩn mình khi cảnh sát không ngừng truy nã cô ta. Dù Fukuda đã chỉnh sửa khá nhiều nhưng vẫn có một vài người nhận ra và trình báo chính quyền. Tuy nhiên, cô ta tìm được cách trốn thoát.
Fukuda viết tự truyện về hành trình trốn chạy gần 15 năm của mình.
Đến năm 1996, khi chỉ còn 1 năm sẽ hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự Fukuda, cảnh sát quyết định treo tiền thưởng cho ai có thông tin về cô ta. Bệnh viện ở Tokyo cũng làm theo vì muốn chứng minh đã phẫu thuật cho người phụ nữ này mà không hay biết đó là kẻ thủ ác. Hãng viễn thông thậm chí phát hành thẻ điện thoại in hình của Fukuda.
Cuối cùng, ngày 29/7/1996, cảnh sát bắt được Fukuda sau lời tố giác của một khách tại nhà hàng lẩu ở thành phố Fukui. Tháng 5/1999, cô ta bị tuyên án chung thân, sau đó qua đời tại nhà tù vào năm 2005 do đột quỵ.
Phẫu thuật thẩm mỹ không thể che đậy mãi mãi
Công nghệ nhận diện khuôn mặt hoạt động bằng cách biến khuôn mặt của từng cá nhân thành chuỗi điểm dữ liệu và so sánh với thông tin sinh trắc học được lưu trữ.
Hầu hết phẫu thuật thẩm mỹ đều tập trung vào đặc điểm bề ngoài chứ không thay đổi cấu trúc khuôn mặt. Do đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt vẫn đạt hiệu quả cao.
Tất nhiên vẫn có các trường hợp ngoại lệ khi tội phạm sửa cấu trúc mặt, phải phẫu thuật nhiều lần trong thời gian dài. Quá trình này đòi hỏi chi phí lớn, phục hồi lâu cũng như chế độ dùng thuốc và hỗ trợ chăm sóc hậu phẫu.
Trùm ma túy Chupeta bị bắt dù trải qua phẫu thuật thay đổi gương mặt. Ảnh: Mirror - EPA
Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát vẫn có nghiệp vụ riêng để tìm ra tội phạm như nhận diện giọng nói, mống mắt hay dựa vào thói quen, sở thích, tính xấu khó bỏ của kẻ ác.
Trùm ma túy Chupeta (người Colombia) đã gọt cả xương hàm, gò má, chỉnh sửa mắt, miệng, tai, mũi, thậm chí hối lộ các quan chức để xóa dấu vân tay, hình ảnh của mình. Hắn ta chỉ rời khỏi nhà vào ban đêm để tới nơi phẫu thuật, cải trang khi ra ngoài. Nhưng cuối cùng, Chupeta đã bị cảnh sát bắt với sự hỗ trợ của công nghệ nhận dạng giọng nói.
Sở thích và ánh mắt khiến Armstrong bị cảnh sát phát hiện. Ảnh: CBS
Một tội phạm khác phẫu thuật thẩm mỹ cũng nhanh chóng sa lưới là Kaitlin Armstrong - nữ huấn luyện viên yoga người Mỹ. Vì ghen tuông, Armstrong bắn chết tình địch vào tháng 5/2022. Sau đó, theo CBS, người phụ nữ này lên máy bay bỏ trốn sang Costa Rica với tên giả, cắt, nhuộm tóc sau đó làm mũi. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, cảnh sát tóm giữ được nữ hung thử nhờ lần theo sở thích tập yoga cũng như ánh mắt không thể thay đổi của Armstrong.
Bên trong một bệnh viện chuyên phẫu thuật 'chui' cho những kẻ đang tìm cách trốn tránh pháp luật ở Philippines. Ảnh: Bacong Pilipinas
Đột kích bệnh viện 'lột xác' cho tội phạm lừa đảo
Vào tháng 7, FOX đưa tin, chính quyền Philippines vừa phát hiện 2 bệnh viện bí mật cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cho những kẻ lừa đảo muốn chạy trốn chính quyền. "Từ các bệnh viện đó, họ có thể trở thành một con người hoàn toàn mới", Winston John Casio, phát ngôn viên của Ủy ban Chống tội phạm có tổ chức Philippines, cho biết.
Hai bệnh viện trên bị cáo buộc liên quan tới hệ thống điều hành sòng bạc trực tuyến ở Philippines (POGO). Theo đó, những bác sĩ không giấy phép đã giúp các nhân viên của POGO thay đổi hoàn toàn diện mạo, bao gồm cấy tóc, làm răng giả, trẻ hóa khuôn mặt, làm trắng da.
- Ai mắc sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ cao gặp nguy hiểm?
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc