Sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống
tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Để sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ xung quanh nội dung này.
Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ. Ảnh: Bảo Bình
- Để triển khai Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các công việc ra sao, thưa bà?
- Trong 260 điều của Luật Đất đai (sửa đổi), có 91 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng 5 dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành, gồm: Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và hệ thống thông tin đất đai; dự thảo nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; dự thảo nghị định về giá đất; dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 4 dự thảo nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời có văn bản gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương từ ngày 7-2. Theo tinh thần của Luật Đất đai (sửa đổi), các dự thảo nghị định phần lớn giao nhiệm vụ về địa phương và chỉ quy định cụ thể để địa phương thống nhất thực hiện. Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, thanh, kiểm tra, hướng dẫn. Với tinh thần đó, Bộ đã chỉ đạo các tổ biên tập nghị định tiếp tục phân cấp tối đa cho địa phương, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu trung gian và không để cán bộ đặt ra những “giấy phép con” làm khổ người dân, doanh nghiệp. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến cho các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả trong thi hành.
- Từ trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, định giá đất là vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vướng mắc khiến nhiều dự án bất động sản... chưa thể triển khai. Hiện dự thảo nghị định quy định về định giá đất đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường lấy ý kiến rộng rãi. Xin bà thông tin về các nội dung chính của dự thảo nghị định này?
- Dự thảo nghị định quy định về định giá đất đề xuất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.
Về phương pháp định giá đất, dự thảo nghị định quy định việc lựa chọn phương pháp định giá đất, thông tin để áp dụng phương pháp định giá đất, trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá đất khi thu thập thông tin, trách nhiệm của các đơn vị trong việc cung cấp thông tin, quy định trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất. Đồng thời, dự thảo nghị định quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trong phương pháp so sánh.
Cụ thể, căn cứ vào mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá, đặc điểm của thửa đất, khu đất cần định giá, các thông tin đã thu thập được, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất quy định tại Khoản 6, Điều 158, Luật Đất đai, tổ chức tư vấn định giá đất được thuê có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định.
Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia. Thông tin cũng có thể được thu thập từ các nguồn, như giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất đã sử dụng để thu nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế; giá đất chuyển nhượng, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng thành công trên thị trường được thu thập…
Theo dự thảo, thông tin về chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất nông nghiệp để áp dụng phương pháp thu nhập phải được thu thập tại cơ quan thống kê, thuế, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trường hợp chưa có số liệu thống kê, không có số liệu từ các cơ quan đó, thì thu thập thông tin về chi phí thực tế phổ biến trên thị trường của tối thiểu 3 thửa đất có khoảng cách gần nhất đến thửa đất, khu đất cần định giá.
Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đăng dự thảo bảng giá đất trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai. Ảnh: Đỗ Tâm
- Để sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ gì, thưa bà?
- Sau khi luật được ban hành, công tác tổ chức thi hành luật là khâu hết sức quan trọng và cần thiết để các chính sách, quy định của luật đi vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả. Với tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định rõ nhiệm vụ trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu.
Đầu tiên là, tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương cung cấp các điểm mới, những nội dung cơ bản của Luật để phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai (sửa đổi) bằng nhiều hình thức phù hợp.
Đặc biệt, ngày 6-3-2024, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, các cơ quan thông tấn, báo chí, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai với nhiều hình thức đến người dân và doanh nghiệp…
Cùng với đó, tổ chức thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai; rà soát, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Đất đai (sửa đổi).
- Trân trọng cảm ơn bà!
- Cần quy định bắt buộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn xác định giá dịch vụ ngày giường bệnh
- Hướng dẫn chế độ báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
- Bảo đảm an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ Online Banking
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu
- "Điểm danh" 56 đơn vị hành chính cấp xã mới của Hà Nội
- Đề xuất nhiều chính sách trợ cấp với cán bộ không đủ tuổi tái cử tự nguyện nghỉ hưu sớm
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan kiểm soát xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam tại cửa khẩu