Sớm khắc phục bất cập của hệ thống thoát nước Hà Nội

Thứ bảy, ngày 18 tháng 6 năm 2022 | 9:41

Từ đầu mùa mưa năm 2022 đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số trận mưa lớn, làm ngập úng nhiều đường phố, khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thoát nước còn chậm trễ.

Công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội ứng trực tại một điểm úng ngập trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Liên tiếp trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra những trận mưa cực lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn. Điển hình như trận mưa ngày 29/5 và ngày 13/6, lượng mưa phổ biến hơn 100mm. Có những khu vực có lượng mưa 150mm trong hai giờ, như tại quận Tây Hồ lượng mưa hơn 160mm, quận Cầu Giấy hơn 180mm, gây ngập úng nhiều tuyến đường, khu dân cư trong nội đô. Số khu vực ở ngoại thành bị ngập sâu cũng tăng lên. Các hầm chui số 3, 4, Km9+656, số 5 và 6 trên đại lộ Thăng Long bị ngập sâu, kéo dài khiến các phương tiện khó lưu thông. 

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng úng ngập khi xảy ra những trận mưa lớn như những ngày qua. Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội chia thành ba vùng chính gồm: tả Đáy, hữu Đáy và bắc Hà Nội. Vùng tả Đáy diện tích khoảng 47.350ha, gồm sáu lưu vực, nhưng đến nay chỉ có lưu vực sông Tô Lịch với diện tích 7.750ha, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai đã có hệ thống thoát nước được cải tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu thoát nước. 

Tuy nhiên khi có những trận mưa vượt thiết kế 310mm/hai ngày, hoặc 70mm/giờ, thì vẫn xảy ra ngập úng cục bộ. Năm lưu vực còn lại, gồm lưu vực Đông Mỹ, tả Nhuệ, hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Nước tự chảy và tiêu thoát qua hệ thống tiêu, thoát nước nông nghiệp. Vùng hữu Đáy có diện tích khoảng 31.310ha và vùng bắc Hà Nội diện tích khoảng 46.740ha, về cơ bản là chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch. Trong khi đây là khu vực đã và đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với nhiều khu đô thị, chung cư... trong khi hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện. Có thể thấy rõ bất cập này khi chứng kiến tình trạng ngập úng trên tuyến đường, khu dân cư trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm sau những trận mưa lớn vừa qua.

Tại đại lộ Thăng Long, nguyên nhân gây ngập tại khu vực các hầm chui là do cao độ mặt đường các hầm chui thấp hơn so với cao độ nền đường chung quanh cho nên mỗi khi có mưa, nước nhanh chóng dồn về chỗ thấp, gây ngập úng. Việc tiêu thoát nước mưa của tuyến đường này theo cơ chế tự chảy qua các kênh thủy lợi, đưa nước về sông Cầu Ngà và sông Nhuệ. Tuy nhiên, nếu mực nước sông Cầu Ngà và sông Nhuệ dâng cao, thì đôi khi nước sông còn chảy ngược vào. Điều này giải thích vì sao sau khi tạnh mưa, trời nắng ráo, nhưng các hầm chui vẫn ngập úng sâu. 

Nhìn chung, việc tiêu thoát nước khu vực phía tây thành phố hiện đang phụ thuộc vào địa hình, theo cơ chế tự chảy, tự tiêu ra hệ thống kênh, mương thủy lợi rồi đổ ra sông Nhuệ. Vì thế, mỗi khi mực nước sông Nhuệ dâng cao, cả khu vực bị ngập úng kéo dài. Để tiêu thoát nước khu vực này, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, có ba dự án tiêu thoát nước gồm Trạm bơm tiêu nước tây Hà Nội (Trạm bơm Đông La-Yên Nghĩa), Trạm bơm Đào Nguyên và hệ thống cống thoát nước dọc đại lộ Thăng Long. 

Tuy nhiên, đến nay, công trình Trạm bơm Đào Nguyên và hệ thống cống thoát nước dọc đại lộ Thăng Long chưa được triển khai. Trạm bơm Đông La-Yên Nghĩa đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt 10 tổ bơm, công suất 120m3/giây, nhưng do chưa hoàn thiện thi công kênh dẫn La Khê, cho nên trạm bơm chưa phát huy hiệu quả đầu tư. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công kênh La Khê là do người dân không hợp tác, không cung cấp hồ sơ giấy tờ đất. Phần đất lòng sông có rất nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến dự án “giậm chân tại chỗ”. 

Trong tình hình hạ tầng thoát nước còn nhiều bất cập như vậy, các đơn vị chức năng của thành phố thực hiện giải pháp nào để khắc phục tình trạng úng ngập? Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, Trịnh Ngọc Sơn cho biết, để ứng phó với những trận mưa lớn, đơn vị đã tiến hành nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước. Nhờ chủ động phương án thoát nước, nhất là bố trí nhân lực ứng trực tua vớt rác thải, mở các miệng cống thu nước, hướng dẫn giao thông; chuẩn bị phương tiện máy móc và vận hành các trạm bơm, hồ điều hòa hợp lý cho nên nước tiêu thoát nhanh hơn. Chỉ sau khi mưa tạnh khoảng 30 phút, nhiều điểm úng ngập đã rút hết nước, một số điểm úng ngập sâu giảm còn 10cm đến 20cm, giao thông đi lại thuận tiện hơn. 

Đại diện Phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều điểm úng ngập cố hữu do địa hình trũng thấp. Trong hai năm 2020 và 2021, thành phố đã xóa được năm điểm úng ngập gồm Thanh Đàm, Trường Chinh, Giải Phóng, Đội Cấn và Phạm Văn Đồng nhờ triển khai các dự án thoát nước. Bốn điểm giảm thời gian và chiều sâu úng ngập, gồm Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Hoàng Như Tiếp và điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến đã giảm khoảng 70% mức độ và thời gian úng ngập do triển khai công trình bể ngầm điều tiết. Trên địa bàn thành phố còn tồn tại 11 điểm úng ngập chính và một số điểm úng ngập cục bộ tại các ngõ ngách địa bàn các quận do hệ thống thoát nước xuống cấp, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ chưa có hệ thống thoát nước đô thị.  

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trước mắt thành phố sẽ duy trì, khai thác hiệu quả hệ thống thoát nước; ứng trực lực lượng và vận hành phần mềm thông báo lượng mưa, cảnh báo úng ngập, đường dây nóng tiếp nhận thông tin các địa điểm úng ngập để khắc phục nhanh chóng các sự cố thoát nước. Thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện kế hoạch thoát nước, xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến dành gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi. 

Đáng chú ý, một số dự án phát triển hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải được ưu tiên đầu tư xây dựng như trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng Trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng-Cầu Bây; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông...

Trước diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, thành phố cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch thoát nước và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án tiêu thoát nước, trước mắt là cần tập trung hoàn thành dứt điểm các hạng mục Trạm bơm tiêu nước tây Hà Nội. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng đúng quy định về cốt nền; tăng diện tích hồ điều hòa, cây xanh và tăng cường công tác quản lý đất nông nghiệp, tránh tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng tạo mặt bằng, xây dựng trên đất nông nghiệp, giữ vững vùng đệm thoát nước đô thị.

 

 

Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/som-khac-phuc-bat-cap-cua-he-thong-thoat-nuoc-ha-noi-701762/