Sự lan tỏa và chuyển động linh hoạt của dòng tiền giúp duy trì đà tăng của thị trường hiện nay
Kể từ cuối tháng 11, VN-Index đã tăng khoảng 5,3%, với một số nhóm ngành như thép, công nghệ và cao su ghi nhận mức tăng nổi bật. Đáng chú ý, ngay cả trong ngày lượng hàng T+ (ngày giao dịch cộng thêm) về tài khoản, nhóm chứng khoán vẫn giữ được sắc xanh, cho thấy dòng tiền tiếp tục lan tỏa sang các nhóm ngành khác, giúp chỉ số duy trì đà ổn định bất chấp áp lực chốt lời.
Trong thời gian cuối năm, thị trường đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc đáng kể, khi dòng tiền từ khối ngoại bắt đầu quay trở lại. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong nước đã dần phát huy hiệu quả, tạo nên sự tăng trưởng rõ rệt.
Không chỉ vậy, bức tranh kinh tế toàn cầu cũng đang có những tín hiệu tích cực. Đơn cử như những thông tin lạc quan như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng tăng lãi suất, hay các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc ghi nhận sự cải thiện trong sản xuất và tiêu dùng.
Dòng tiền ngoại rút ròng mạnh mẽ
Đánh giá tổng quan toàn diện về bức tranh thị trường tính đến thời điểm hiện tại, ông Huỳnh Hữu Phước - Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường chủ yếu đi ngang trong một biên độ khá rộng từ 1.200 đến 1.300 điểm.
Vùng 1.240-1.260 điểm được xem như vùng giá trung bình hoặc điểm hòa vốn của nhà đầu tư trong khoảng một năm qua. Khi thị trường vượt 1.300 điểm, nhiều nhà đầu tư có lợi nhuận, nhưng nếu xuyên thủng dưới 1.240 điểm thì sẽ phải đối mặt với rủi ro thua lỗ.
Diễn biến các chỉ số chính của thị trường ngày 10/12/2024. Nguồn: KBSV. |
Một điểm đáng chú ý là trong năm nay, thị trường đã hình thành ba đáy lớn. Cụ thể, một quanh mốc 1.180 điểm, một ở 1.190 điểm, và gần nhất là đáy ngắn hạn vào cuối tháng 11 tại khoảng 1.197 điểm.
Song song đó, nhà đầu tư cũng đã chứng kiến 5 lần thị trường cố gắng thử thách đỉnh 1.300 điểm nhưng chưa thành công. Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng là liệu đợt sóng tăng giá hiện tại có đủ lực vượt qua mốc 1.300 điểm không?
Theo đại diện từ VDSC, nhóm cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại có tiềm năng và mang lại cơ hội cho nhà đầu tư là những ngành đầu nguồn trong chu kỳ phục hồi như thép, năng lượng, và xuất khẩu. Các ngành này đang bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực, từ tiêu thụ điện tăng, sản lượng sản xuất cải thiện, đến doanh thu xuất khẩu khả quan. |
Giai đoạn gần đây, thị trường cho thấy một số điểm khác biệt so với các giai đoạn trước. Tháng 11 vừa qua, áp lực đến từ các yếu tố như căng thẳng địa chính trị và dòng vốn ngoại rút ra mạnh mẽ với tổng giá trị đạt gần 12.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong năm 2024. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng khoảng 90.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, yếu tố bất định từ việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cũng gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, khiến nhà đầu tư lo ngại. Song song với đó là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy tình hình khó khăn, dẫn đến nguy cơ bán giải chấp gia tăng khi thị trường lùi về 1.240 điểm.
Tuy nhiên, đầu tháng 12, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ tỷ giá. Chỉ số DXY - biểu thị sức mạnh đồng USD - đã chững lại, giúp giảm áp lực tỷ giá tại Việt Nam. Đồng thời, áp lực giải chấp cũng không lớn như các giai đoạn trước, khi dư nợ margin chủ yếu tập trung ở các công ty lớn và ít ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân.
Điều này giúp thị trường phục hồi nhanh hơn, với mức tăng khoảng 16% kể từ đáy ngắn hạn cuối tháng 11. Sự phục hồi theo hình chữ V này có thể coi như là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để nhà đầu tư kỳ vọng vào những diễn biến lạc quan hơn của thị trường trong thời gian tới.
Dòng tiền lan tỏa nhiều nhóm ngành
Về sự phân hoá của thị trường và các nhóm ngành dẫn dắt, chiếm ưu thế, theo đại diện từ VDSC, nếu nhìn lại diễn biến thị trường gần đây, có thể nhận thấy thị trường đang trong một xu hướng tăng giá ngắn hạn.
Theo đó, phiên giao dịch ngày 5/12 đã tạm thời xác nhận mức đáy quan trọng ở 1.200 điểm. Dòng tiền cải thiện đáng kể, với thanh khoản đạt khoảng 21.000 tỷ đồng trong phiên đó. Sang ngày 6/12, giá trị giao dịch ghi nhận ở mức 17.000 tỷ đồng, và đến phiên ngày 9/12, dù chịu áp lực từ lượng hàng T+ về tài khoản, thanh khoản vẫn duy trì gần 16.700 tỷ đồng. Những con số này phản ánh sự tích cực trong ngắn hạn của thị trường.
Nhóm các cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tronh phiên ngày 10/12/2024. Nguồn: FiinTrade. |
Về các nhóm ngành dẫn dắt, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng nổi bật của một số lĩnh vực. Nhóm cổ phiếu công nghệ, điển hình là FPT, đã tiên phong trong nhịp tăng này. Tiếp đó, nhóm ngân hàng với đại diện như CTG, và nhóm chứng khoán, với những cổ phiếu nổi bật như HCM và SSI, cũng đóng vai trò quan trọng.
Về dòng tiền trên trên thị trường tronh thời gian gần đây, đại diện VDSC cho rằng, dòng tiền dần lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn, bao gồm Hòa Phát, Masan, và nhóm bảo hiểm như Bảo Việt, góp phần củng cố đà tăng của thị trường. |
Đáng chú ý, khi dòng tiền tham gia mạnh vào các nhóm dẫn dắt, một phần đã chuyển hướng sang tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu chưa tăng hoặc đang tạo nền đáy. Ví dụ, nhóm bất động sản với các mã như Đất Xanh và Phát Đạt, hay nhóm đầu tư công với CTI, C4G, và các cổ phiếu xây dựng như KSB, VCG, HHV đã ghi nhận sự quan tâm.
Từ cuối tháng 11 đến nay, VN-Index tăng khoảng 5,3%. Một số nhóm ngành thậm chí vượt trội hơn, như thép (+10,1%), công nghệ (+9%), và cao su (+7,8%). Những nhóm này không chỉ dẫn dắt thị trường mà còn tạo sự phân hóa rõ rệt. Đặc biệt, ngay cả trong ngày mà lượng hàng T+ về tài khoản, sắc xanh vẫn được duy trì ở nhóm chứng khoán, cho thấy dòng tiền đang tiếp tục len lỏi sang các nhóm ngành khác, tạo đà giữ chỉ số ổn định, bất chấp áp lực chốt lời.
Với bối cảnh thị trường tính đến thời điểm hiện tại, đại diện VDSC nhận định rằng, rõ ràng, sự lan tỏa và chuyển động linh hoạt của dòng tiền là yếu tố quan trọng giúp thị trường duy trì đà tăng trong giai đoạn hiện tại.
- Nhóm cổ phiếu nào đang ngược sóng thị trường?
- Năm 2025 có thể tạo bước ngoặt tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Đầu tư công - Kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường chứng khoán năm 2025
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Nâng hạng thị trường kỳ vọng kéo thanh khoản tỷ USD trở lại
- Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 duy trì đà tăng trưởng ổn định
- Cơ hội cho thị trường chứng khoán sau giai đoạn tích lũy
- Cổ phiếu nhỏ hút dòng tiền, thanh khoản xuống đáy