Sửa Luật Đấu thầu: Giảm thủ tục, tăng tính minh bạch

Thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 2022 | 6:44

Sai phạm, tiêu cực trong đấu thầu, những bất cập trong thiếu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế; giải ngân các dự án đầu tư công chậm do đấu thầu… Những vấn đề trên được dư luận quan tâm.

Cần sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế tồn tại này là những nội dung tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn thảo, nhiều chuyên gia, DN tham gia đóng góp ý kiến.

Sửa Luật Đấu thầu phải bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch, công khai. Ảnh: Tuấn Anh

 

Sửa Luật Đấu thầu phải bảo đảm sự cạnh tranh, minh bạch, công khai. Ảnh: Tuấn Anh

 
 
 
 

Những bất cập tồn tại và tâm lý sợ sai

Thực tế, theo dõi các vụ án kinh tế tham nhũng gần đây liên quan đến hoạt động đấu thầu có rất nhiều vụ án, nhiều bị can đã bị khởi tố và đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Ðiều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ở nhiều lĩnh vực như xây dựng, y tế, giáo dục…

Người phạm tội thường dùng nhiều thủ đoạn như thông thầu, gian lận trong đấu thầu, chuyển nhượng thầu trái phép…, thông đồng móc ngoặc thẩm định giá nhằm nâng khống giá trị gói thầu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố 11 vụ án có liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Trong đó, chủ yếu là đồng phạm cùng tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chiếm tới 8 trong tổng số 11 vụ án.

Ngoài vấn đề gian lận trong đấu thầu thì xã hội đang quan tâm đến tình trạng đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế tuy rất cần nhưng thực hiện lại khó khăn. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn khi tổ chức đấu thầu.

Đơn cử theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh: Khoản 3 Điều 51 Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục chọn tổ chức kiểm định chất lượng. Tuy nhiên thực tiễn, do kinh phí lớn nên việc tổ chức đấu thầu rất khó, ít có đơn vị kiểm định có chất lượng tham gia. Vì vậy có tổ chức/đơn vị kiểm định bỏ và trúng thầu với giá thấp thường đi kèm là năng lực yếu, trong khi cơ sở giáo dục đại học muốn chọn tổ chức có năng lực tốt.  “Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu” - ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng đề cập đến sách giáo khoa (SGK), nhà xuất bản chủ động biên soạn sách nhưng giả sử thấy cần thiết Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK thì việc đấu thầu cũng là yếu tố phức tạp. Đề nghị ban soạn thảo đưa SGK vào danh mục phải đấu thầu để chúng ta có những bộ sách tốt...

Trong lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng đề cập đến vướng mắc liên quan đến mua sắm trong trường hợp đặc biệt, mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế, quy định hợp đồng trọn gói, mua sắm thường xuyên. Hiện nhiều địa phương phản ánh còn tình trạng khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định liên quan trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Trước đó, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám triển khai đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

“Việc ách tắc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân như dự tính nhu cầu không sát thực tế, đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh trong khi một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào phòng chống dịch, ít người nhiều việc. Cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu” - ông Thuấn nói.

Sai phạm, tiêu cực trong đấu thầu, giải ngân các dự án đầu tư công chậm do đấu thầu là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Sai phạm, tiêu cực trong đấu thầu, giải ngân các dự án đầu tư công chậm do đấu thầu là những vấn đề được dư luận quan tâm.

Đơn giản thủ tục để tăng hiệu quả

Cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, rà soát theo hướng sửa đổi thủ tục để đơn giản hóa, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết, tăng đấu thầu qua mạng… Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, việc quản lý vẫn bảo đảm sự chặt chẽ.

“Chẳng hạn, các gói yêu cầu đấu thầu rộng rãi nhưng bên mời thầu đưa ra điều kiện, tiêu chí mà qua đây đã nhìn thấy rõ ngay nhà thầu nào sẽ trúng thầu, tức là cài cắm điều kiện khi mời thầu. Lần này sửa phải đảm bảo công khai, minh bạch, từ thông tin đấu thầu, hoàn thiện quy định về hành vi cấm trong đấu thầu, quy định trách nhiệm tổ chức cá nhân tham gia…” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Liên quan đến đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Luật Đấu thầu không vướng mà vướng ở Thông tư 14/TT-BYT về mua sắm trang thiết bị y tế và Thông tư 15/TT-BYT về mua sắm thuốc của Bộ Y tế. Tới đây khi sửa hai thông tư trên, tình trạng chậm mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, thuốc sẽ khắc phục được.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng trình Quốc hội sửa đổi lần này bổ sung quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc (quy định tại Điều 49, 50, 51 chương V của dự thảo luật).

Đảm bảo minh bạch, chống thất thoát

Giảm giá, rút ngắn thời gian và ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong đấu thầu là 3 vấn đề lớn được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải hết sức lưu ý khi sửa đổi Luật Đấu thầu.

Để bịt kẽ hở trong đấu thầu, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng. Cần minh bạch trong quy trình công bố hồ sơ mời thầu, chào thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Toàn bộ quy trình của mỗi gói thầu từ khi công bố hồ sơ mời thầu đến khi kết thúc để nhà thầu, người dân có thể giám sát.

LS Đỗ Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Dự thảo Luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu. Trong đó đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc đẩy nhanh tiến độ làm các dự án lớn, trọng điểm.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dự luật sửa đổi mở ra các trường hợp áp dụng chỉ định thầu quá rộng. Điều này chưa phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế. Trong khi đây là nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu đấu thầu được thì giảm giá rất thấp trong khi các cơ quan thường xuyên lấy lý do khó đấu thầu để xin chỉ định thầu. “Như sân bay Long Thành, Đồng Nai báo cáo tiết kiệm rất nhiều tiền mà chúng ta đấu thầu công khai, rộng rãi, nghiêm ngặt”- Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, xu hướng đấu thầu là văn minh, chỉ định thầu là những trường hợp hãn hữu, cấp bách, cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng với lĩnh vực y tế, nhiều trường hợp phải tháo gỡ khó khăn nhưng mặt khác phải nghiêm túc và chặt hơn. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trước đây, nói thuốc biệt dược không đấu thầu được, nhưng khi mở thêm một kênh đấu thầu bên BHXH thì vẫn đấu thầu được. “Kết quả hai bên làm thì biệt dược vẫn đấu giá được. Vô tư mà giảm giá rất nhiều”- Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết đã kiến nghị nhiều lần đưa vào trong luật quy định nhà thầu phải chịu trách nhiệm về kê khai thông tin của mình. “Các hành vi vi phạm của nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án cũng phải có chế tài nghiêm hơn nữa trong luật. Chủ đầu tư cảnh cáo 3 lần là dứt khoát cấm đấu thầu 3 - 5 năm, chỉ có như thế chúng ta mới sàng lọc đấu thầu minh bạch hơn, rõ ràng hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề xuất.

Một giải pháp được nhiều chuyên gia đồng tình là khi xây dựng Dự thảo lần này là nhà thầu không phải kê khai các thông tin tài chính được Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tự động trích xuất từ Hệ thống kê khai thuế điện tử. Hiện cơ quan thuế quản lý khá chặt việc kê khai thuế điện tử, do đó, khi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trích xuất thông tin từ Hệ thống kê khai thuế điện tử sẽ đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu thủ tục cho các nhà thầu.

Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế không phải bây giờ mới có mà tình trạng này đã xảy ra từ lâu. Cần nâng cao năng lực và tính trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…

TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm đấu thầu Quốc gia