Sửa nghị định kinh doanh xăng dầu để tránh khan hiếm cục bộ

Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2023 | 10:41

Sớm sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu là tiền đề không tái diễn tình trang thiếu xăng cục bộ như thời gian qua.

 

PGS-TS. Ngô Trí Long

“Tình trạng khan hiếm xăng dầu bán lẻ cục bộ đã chấm dứt, nhưng vẫn phải sớm sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP). Nếu không, việc thiếu xăng dầu cục bộ, thậm chí là trên diện rộng, sẽ tái diễn khi thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh”, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Ngô Trí Long phát biểu.

Nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi đang được hoàn thiện, theo ông, cần phải sửa đổi, bổ sung những điểm gì?

Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP) có hiệu lực từ tháng 1/2022, thì đến tháng 8/2022 đã xảy ra tình trạng hàng loạt điểm bán lẻ xăng ở khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả Hà Nội tạm đóng cửa, bán nhỏ giọt, bán cầm chừng vì càng bán càng lỗ.

Thực ra, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã bị lỗ từ rất lâu, song cố cầm cự, bởi nếu không tiếp tục bán, sẽ bị thu giấy phép, đồng nghĩa với chấm dứt tồn tại. Nhưng sức của doanh nghiệp có hạn, đến khi không thể “trụ nổi” mới bán cầm chừng, tìm mọi cách để giảm lượng bán ra do càng bán càng lỗ.

Tình trạng người dân xếp hàng cả tiếng đồng hồ không mua được xăng chưa bao giờ diễn ra cho thấy, quy định về kinh doanh xăng dầu chỉ phù hợp trong điều kiện bình thường, khi thị trường thế giới có biến thì đã bị “thúc thủ”, không ứng phó kịp thời. Vậy nên, dù hoạt động kinh doanh xăng dầu đã trở lại bình thường, nhưng dứt khoát vẫn phải sửa đổi toàn diện các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Có rất nhiều quy định về cơ chế quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần phải sửa đổi, như chiết khấu; thời gian điều chỉnh giá; quỹ bình ổn giá; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối...

Chiết khấu chính là “yết hầu” dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu bán lẻ cục bộ vừa qua. Có ý kiến cho rằng, cần phải quy định mức chiết khấu cứng cho đại lý bán lẻ. Quan điểm của ông thế nào?

Xăng dầu không chỉ là mặt hàng chiến lược, mà còn phải thực hiện cùng lúc nhiều chức năng, như giữ ổn định giá để kiểm soát lạm phát; bảo đảm an sinh xã hội... Trong điều kiện bình thường, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng này thực hiện được, nhưng khi có biến động, thì ngay lập tức sẽ xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu bán lẻ cục bộ, bởi doanh nghiệp đầu mối, phân phối, hay bán lẻ không thể chịu “lỗ hoài”.

Vì vậy, quan điểm ấn định mức chiết khấu tối thiểu với đại lý bán lẻ không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo tôi, Nghị định thay thế (hoặc sửa đổi) Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP không nên ấn định mức chiết khấu cố định tối thiểu.

Vì Nhà nước quản lý mặt hàng này bằng giá trần do liên bộ Công thương - Tài chính công bố tại mỗi kỳ điều chỉnh (10 ngày/lần), nên mức chiết khấu chính là yếu tố thị trường, là nhân tố cạnh tranh buộc các doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải tiết giảm chi phí kinh doanh, chi phí không cần thiết, chi phí cho bộ máy, cắt giảm khâu trung gian, hợp lý hóa quy trình sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối nhằm giảm giá thành, tăng mức chiết khấu, tăng sức cạnh tranh.

Nhưng nếu không ấn định mức chiết khấu tối thiểu đối với xăng dầu bán lẻ, thì tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ tái diễn khi thị trường xăng dầu thế giới có biến?

Nếu ấn định mức chiết khấu tối thiểu, thì chẳng khác gì quay về cách quản lý đã lỗi thời hàng chục năm và sẽ làm giảm sức cạnh tranh. Hơn nữa, số tiền chiết khấu buộc phải tính vào giá cơ sở, tức là người tiêu dùng phải chịu. Áp dụng chiết khấu tối thiểu chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, đại lý bán lẻ, trong khi quản lý nhà nước đối với mặt hàng này là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, cần phải thả nổi chiết khấu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đại lý bán lẻ mặc cả với doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, doanh nghiệp, đại lý bán lẻ sẽ làm ăn với những doanh nghiệp đầu mối, phân phối nào có mức chiết khấu cao hơn, hoặc hai bên tự thỏa thuận với nhau về mức chiết khấu tối thiểu trong những trường hợp khó khăn.

Hơn nữa, “thả nổi” chiết khấu bán lẻ còn giúp doanh nghiệp đầu mối, phân phối linh hoạt trong điều chỉnh mức chiết khấu phù hợp với sự biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, không nên ấn định mức chiết khấu tối thiểu.

Vấn đề là, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được quyền ký hợp đồng làm đại lý cho một đầu mối, phân phối trong một thời điểm nhất định, thì làm sao có thể mặc cả được chiết khấu khi thị trường gặp khó khăn?

Vì lý do này mà có nhiều quan điểm cho rằng, không hạn chế doanh nghiệp bán lẻ ký hợp đồng đại lý, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán làm đại lý. Tôi cho rằng, quan điểm “thả hoàn toàn” cũng không đúng, vì hiện tại, mặt hàng xăng dầu được quản lý chặt như vậy mà tình trạng buôn lậu xăng dầu cả trên biển lẫn trong nội địa vẫn rất phức tạp; hàng loạt vụ án buôn lậu, pha chế xăng dầu bất hợp pháp, kém chất lượng để tung ra thị trường đã bị phát hiện, khởi tố. Nếu cho tự do ký hợp đồng đại lý, thì có quản lý được tình trạng buôn lậu xăng dầu không?

Và quan trọng hơn là rất khó quản lý được chất lượng xăng dầu buôn lậu, sản xuất giả do không quản lý được nguồn gốc, xuất xứ của xăng dầu bán ra. Khi doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng xăng dầu kém chất lượng, thì hậu quả để lại rất lớn, do thiết bị, máy móc, động cơ, thiết bị, dây chuyền sử dụng xăng dầu bị phá hủy.

Theo tôi, không cứng nhắc chỉ cho phép doanh nghiệp hợp đồng đại lý với một doanh nghiệp đầu mối, phân phối duy nhất, mà có thể mở rộng lên 2-3 doanh nghiệp để có quyền lựa chọn mua hàng của đầu mối, phân phối nào tốt hơn.

Vấn đề giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu xuống dưới 10 ngày như hiện nay cũng được nhiều chuyên gia có ý kiến. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

Khi giá xăng dầu có xu hướng tăng thì doanh nghiệp muốn giữ nguyên thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu như hiện nay và ngược lại. Một số chuyên gia cho rằng, cần phải rút xuống 3 ngày điều chỉnh một lần, sau đó là cách nhật và điều chỉnh hàng ngày như thị trường xăng dầu ở các nền kinh tế thị trường phát triển.

Chỉ khi thị trường xăng dầu nước ta thực sự cạnh tranh như các nước phát triển, thì mới có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ 2-3 ngày một lần, tức là Nhà nước để thị trường tự điều chỉnh. Nhưng chúng ta chưa đạt được như vậy, nên Nhà nước vẫn phải quản lý mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Tuy nhiên, thời gian điều chỉnh 10 ngày một lần, lại không tính ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, ngày tết không hợp lý. Vì vậy, có thể ẩn định điều chỉnh vào một ngày cố định trong tuần, bất kể đó là ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

Nguồn: https://baodautu.vn/