Suy thận diễn biến âm thầm, bác sĩ khuyên đừng bỏ qua xét nghiệm vài chục nghìn

Thứ hai, ngày 18 tháng 12 năm 2023 | 6:54

Suy thận thường không có triệu chứng rõ rệt nên người trẻ dễ có tâm lý chủ quan, khi phát hiện, bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Gần đây, chồng tôi đi kiểm tra sức khỏe bất ngờ với chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối không rõ nguyên nhân. Xin bác sĩ tư vấn bệnh suy thận có tầm soát và phát hiện sớm được không? Lê Hoàng Hạnh (Thanh Trì, Hà Nội)

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Hải - Trưởng khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp tư vấn:

Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người bị bệnh thận mạn tính, mỗi năm có thêm 8.000 ca mắc mới. Tỷ lệ người bệnh chuyển sang suy thận giai đoạn cuối chiếm 0,1% dân số.

Số bệnh nhân trẻ bị suy thận giai đoạn cuối ngày càng tăng do tâm lý chủ quan, ít để ý tới sức khỏe. Lối sống thiếu khoa học là yếu tố tăng các bệnh lý trong đó có suy thận. Nhiều người có dấu hiệu mệt mỏi nhưng không đi khám, đến khi triệu chứng nặng thì thận đã suy, không phục hồi.

suy than.png

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Ảnh: Phương Thúy

Tnh trạng người trẻ tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán khiến nguy cơ suy thận càng cao hơn. Triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu thường âm thầm, khi biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã tiến triển tới giai đoạn cuối, chức năng suy giảm nghiêm trọng. 

Khi đi khám sức khỏe tổng quát, mọi người cần kiểm tra chức năng thận qua xét nghiệm nước tiểu để biết nồng độ albumin. Xét nghiệm này chỉ tốn vài chục nghìn đồng. 

Người dân không nên chủ quan với các biểu hiện thoáng qua của sức khỏe, cần khám sàng lọc hằng năm, cần biết chỉ số huyết áp, mỡ máu, đường huyết và không nên lười làm xét nghiệm nước tiểu.

Với những người có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp cần phải tuân thủ điều trị, tránh biến chứng suy thận. Đối với người bệnh suy thận, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng, cholesterol, hàm lượng đường trong máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.