TP. HCM kiến nghị nhiều nội dung quan trọng đến Chủ tịch Quốc hội
TP. HCM kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ những trói buộc, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để góp phần thúc đẩy TP. HCM phát triển trong thời gian tới.
Chiều 20/3, đoàn công tác của Quốc hội do ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VD
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đã thông tin một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ những trói buộc, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để góp phần thúc đẩy TP. HCM phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với dự án đường vành đai 3, TP, HCM kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án.
Về điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kiến nghị Quốc hội cho phép TP. HCM được thực hiện cơ chế, đối với các nguồn vốn mà TP. HCM có thể huy động từ các nguồn thu của TP. HCM ngoài mức vốn thông báo của Thủ tướng tại Quyết định 1535 (142.557 tỷ đồng).
TP. HCM kiến nghị được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. HCM theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương của thành phố, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với đề án phát triển TP. HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án được thông qua trong thời gian sớm nhất.
Về cơ chế TP. Thủ Đức, TP. HCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét chấp thuận khi “Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Thủ Đức” hoàn chỉnh được trình.
Đối với Nghị quyết số 54 của Quốc hội, TP. HCM kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP. HCM phù hợp với vị trí vai trò của thành phố. Trong đó kế thừa một số nội dung của Nghị quyết 54 và bổ sung một số nội dung mới có liên quan đến tổng thể công tác quản trị TP. HCM.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VD
Theo lãnh đạo TP. HCM, trọng tâm của Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ là cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP. HCM, gồm 4 lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật – xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý căn bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. HCM.
Hiện nay, TPHCM nêu ra đang có nhiều trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến 4 lĩnh vực trên, với những chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo tinh thần Điều 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực tài chính công có cơ chế cho TP. HCM tạo nguồn thu mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Nguồn thu mới không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định. Ngoài chi thường xuyên, TPHCM được quyền quy định tiêu chuẩn, định mức chi của TP. HCM phù hợp với nguồn thu và điều kiện kinh tế xã hội của thành phố.
Về tổ chức bộ máy hành chính, TP. HCM được tự quyết định bộ máy giúp việc, quy định chức năng, nhiệm vụ trong nội bộ các bộ phận giúp việc hoặc phân quyền, ủy quyền cho chính quyền cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của thành phố.
TP. HCM được quyền lựa chọn các nhân sự thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, được sắp xếp, bố trí, sử dụng họ và đưa ra các quyết định cần thiết về nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp đó, như tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch bậc, quyết định đãi ngộ, khen thưởng…
Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật TP. HCM kiến nghị được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của thành phố, đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ hai, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu cơ bất động sản…
Đồng thời, được quy định các hành vi vi phạm hành chính thường xảy ra ở đô thị nhưng Trung ương chưa có quy định, được nâng mức xử phạt vi phạm một số hành vi mang tính đặc thù đô thị.
Về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên địa bàn TP. HCM.
Nguồn Congluan.vn
https://congluan.vn/tp-hcm-kien-nghi-nhieu-noi-dung-quan-trong-den-chu-tich-quoc-hoi-post186359.html
- Vụ rơi trực thăng: Lần du lịch cuối và chuyến bay định mệnh
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các cơ quan báo chí tại TP. HCM
- Chủ tịch nước chủ trì hội nghị góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền
- Bộ GTVT trình Quốc hội 3 dự án cao tốc hơn 84.000 tỷ đồng
- Buộc thôi việc Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc
- Chủ tịch Quốc hội: Không được “đụng” nguồn cải cách tiền lương để làm đường
- Xem xét kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long liên quan vụ Việt Á
- Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Việt Nam