Tại sao cảnh báo liên tục, người dân vẫn săn thuốc Molnupiravir chữa Covid-19?
Tình trạng rao bán thuốc Molnupiravir trái phép xảy ra nhiều tháng qua. Ngành y tế cũng cảnh báo liên tục về nguy cơ khi lạm dụng thuốc điều trị Covid-19. Lý do gì khiến việc mua bán Molnupiravir vẫn tấp nập?
“Ai không sợ chết?”
Đó là chia sẻ của một F0 tại TP.HCM khi tự xoay sở mua thuốc Molnupiravir trên mạng xã hội. Một số loại được rao bán như Molaz, Molnatris…thậm chí có cả thuốc trong chương trình điều trị thí điểm mà F0 sử dụng chưa hết. Trong đó, Molaz được giới thiệu của Ấn Độ phổ biến hơn cả. Thuốc được bán với giá từ 1,3 triệu đến 2 triệu/hộp, người quan tâm phần lớn ở TP.HCM và Hà Nội.
Giai đoạn tháng 11/2021, thuốc Molaz được chào giá 9 triệu đồng/hộp cho liệu trình 5 ngày. Khi đó, Molnupiravir trong chương trình điều trị có kiểm soát thiếu cục bộ ở một số phường, xã tại TP.HCM.
Thuốc Molnupiravir được cấp phát, sử dụng còn thừa cũng được rao bán trên Facebook. |
“Kể cả 10 triệu người ta cũng sẽ mua. Ai không sợ chết? Thuốc không đủ cho người dân, bác sĩ cứ cảnh báo thuốc giả đừng mua, nhưng ai cũng phải lo cho mình”. Đó là chia sẻ của rất nhiều F0 khi cách ly tại nhà mà không được tiếp cận y tế.
Ngày 11/1, Bộ Y tế vừa cảnh báo về hàng loạt tác dụng phụ của thuốc Molnupiravir. Trong đó, bao gồm nguy cơ về sự phát triển của xương và sụn với bệnh nhân dưới 18 tuổi; nguy cơ ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới... Ngoài ra, thuốc không được dùng cho phụ nữ mang thai, có ý định mang thai và đang cho con bú.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo, thuốc kháng virus chỉ phù hợp sử dụng trong giai đoạn từ 3-5 ngày đầu mắc Covid-19, với đúng đối tượng. "Thuốc kháng virus sẽ ngăn chặn được sự nhân lên của virus do đó sẽ giảm được triệu chứng, ngăn bệnh diễn tiến nặng”. Nếu dùng sau giai đoạn này, thuốc không có tác dụng.
Tại Việt Nam, các báo cáo của Chương trình thí điểm sử dụng có kiểm soát Molnupiarvir trên 22 tỉnh thành đã cho những tín hiệu lạc quan. Ngày 5/1, Bộ Y tế thông tin, sắp cấp phép cho 3 loại thuốc Molnupiravir được sản xuất trong nước, tuy nhiên tiến trình cụ thể ra sao đến nay vẫn chưa được công bố.
Thuốc trôi nổi điều trị Covid-19 bán cho người dân với giá "chặt chém". |
Trong thời gian chờ đợi, nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh Covid-19 tăng lên khi dịch diễn tiến phức tạp ở một số địa phương. Những than phiền của F0 khi không thể tiếp cận y tế từng xảy ra ở TP.HCM nay đang xuất hiện tại Hà Nội.
“Chúng tôi tha thiết mong Bộ Y tế đẩy nhanh việc sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước cho người bệnh dùng”, một bác sĩ tham gia tư vấn cho F0 tại nhà chia sẻ.
Bác sĩ này hiện đang công tác tại 1 bệnh viện đa khoa thuộc TP.HCM. Anh cho biết, đồng nghiệp của mình cũng phải tìm cách mua thuốc Molnupiravir lậu ở Lào, Campuachia với giá 3 triệu đồng/liệu trình cho người bố mắc Covid-19.
“Bố mẹ của bác sĩ cũng đã có người tử vong vì Covid-19. Đó là sự thật. Người sống sót thì vật vờ vì hậu nhiễm. Nhìn sang Lào và Campuchia, họ đã cho phép sản xuất và bán thuốc Molnupiravir, chúng tôi không thể không lo cho người bệnh khi đang bị ép mua thuốc lậu giá chặt chém”, anh lo ngại.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, có 2 rào cản về thuốc kháng virus điều trị Covid-19. “Thứ nhất, thuốc trong chương trình thử nghiệm cần quá nhiều thủ tục khiến người phát và người nhận đều thấy phiền phức. Thứ hai, không có nguồn cung trong nước”.
Ông cho rằng, khi Molnupiravir được đưa vào diện thuốc cần kê toa, được bán tại nhà thuốc, có hướng dẫn sử dụng đầy đủ, sẽ giải quyết được tình hình. Thuốc mua bán hiện nay đều không chính thống, không quản lý được chất lượng và người dân trực tiếp chịu tác động về sức khỏe.
“Có lỗi của nhà quản lý”, bác sĩ Khanh thẳng thắn. “Nguyên liệu nhập hết rồi, chúng ta đủ năng lực để sản xuất, đẩy mạnh cấp phép thì sẽ rất nhanh có thuốc hợp pháp cho người dân dùng với giá rẻ”.
F0 tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc kháng virus giai đoạn sớm. |
Thực tế ghi nhận, khi thông tin Bộ Y tế sắp cấp phép cho 3 loại thuốc chứa Molnupiravir vừa được công bố, giá thuốc lậu rao bán trên Facebook đã giảm nhiệt. Từ khoảng 10 triệu/hộp, giảm xuống 3 triệu và nay chỉ còn 1,5 triệu/hộp.
Tuy nhiên, nhiều người đặt dấu hỏi, tình trạng rao bán thuốc Molnupiravir đã kéo dài 2-3 tháng mà không được xử lý dứt điểm. Sở Y tế TP.HCM thì cảnh báo, “hành vi mua bán thuốc Molnupiravir là vi phạm pháp luật, xử lý cả người mua và bán”.
Trong suốt thời gian đó, bao nhiêu lọ thuốc lậu, thuốc kém chất lượng đã được người dân sử dụng? Hậu quả trên sức khỏe người bệnh như thế nào? Đến nay, chưa có ai thống kê và chịu trách nhiệm.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tai-sao-nguoi-dan-van-san-thuoc-molnupiravir-chua-covid-19-808531.html
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Nhiều loại ký sinh trùng tưởng tuyệt chủng bất ngờ xuất hiện lại ở Việt Nam
- Người phụ nữ trẻ phát hiện mắc ung thư di căn từ dấu hiệu tưởng chừng đơn giản
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
- Người đàn ông mất một nửa lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
- Người bệnh tiểu đường bất ngờ khi nhân viên y tế đưa suất ăn có bát cơm đầy
- Người mẹ gây xôn xao khi mang 9 bào thai cùng một lúc
- Bé gái 7 tuổi tử vong sau vài tiếng nhập viện ở Thanh Hóa