“Rốn dịch” HIV tại Đồng bằng sông Cửu Long
36% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tập trung tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thái lây nhiễm đã chuyển dịch từ tiêm chích ma túy, mẹ lây truyền sang con, sang chiếm 70-90% lây nhiễm qua đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới (MSM). Số ca nhiễm HIV đang trẻ hóa, có nhiều em học sinh, sinh viên phát hiện bệnh khi còn quá trẻ.
Loạt bài viết: “Rốn dịch” HIV”" ghi nhận sự thay đổi hình thái lây nhiễm HIV tại một số địa bàn trọng điểm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Vũng Tàu… cũng như những nỗ lực của cán bộ y tế, đồng đẳng viên trong việc khống chế dịch HIV/AIDS tại đây.
Xu hướng gia tăng ca nhiễm mới nhất nhóm MSM, lứa tuổi ngày càng trẻ hóa nên việc tiếp cận, tìm ca trong nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn. Tại các tỉnh, thành phố, các đồng đẳng viên trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế để tiếp cận nhóm MSM. Nhiệm vụ của các nhóm CBO tìm kiếm khách hàng dương tính đưa vào điều trị ARV và khách hàng âm tính điều trị PrEP.
Nhiều “chiêu” tiếp cận nhóm MSM
Chúng tôi gặp T. vào một buổi chiều mưa giông, biển động tại Rạch Giá, Kiên Giang do ảnh hưởng cơn bão số 1. Việc tiếp cận nhóm MSM ở chợ tình vì thế càng khó khăn hơn. T. tiết lộ mình bị HIV từ nửa đầu năm 2022. Cậu quay sang dòm thái độ của tôi: "Chị có sợ người bị H không? Tôi biết, nhiều người còn kỳ thị lắm. Nhưng việc mình cần làm, thì sẽ phải làm thôi, nếu không, có biết bao bạn trẻ sẽ giống mình, vì thiếu hiểu biết mà mắc bệnh!".
T. là một đồng đẳng viên mới gia nhập nhóm CBO The Sun tháng 10/2022, sau 6 tháng phát hiện nhiễm HIV. Ngày nhận kết quả dương tính, khác với nỗi lo sợ của nhiều người, T. khá điềm tĩnh: “Buồn chưa đến 30 giây đâu và cũng không có suy nghĩ tiêu cực nào xuất hiện trong đầu. 30 giây, tôi sắp xếp lại cuộc đời mình, quyết định về quê lập nghiệp. Quá khứ đã không thay đổi được, đào bới lý do vì sao nhiễm cũng không để làm gì”.
Tuyên truyền viên đồng đẳng là người tự nguyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ cho các đối tượng có cùng cảnh ngộ, lối sống như mình hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Khi ấy, Kiên Giang quê T. có rất ít đồng đẳng viên (cầu nối giữa những đối tượng MSM có nguy cơ nhiễm HIV với cán bộ y tế). Bởi vậy, có rất nhiều bạn trẻ không có kiến thức, ngại tiếp cận cơ sở y tế. T. nghĩ, mình cần phải làm gì cho quê mình.
“Danh Tùng là người duy nhất biết tôi nhiễm HIV. Chính bạn ấy là người đã thuyết phục tôi suốt một năm trời đi xét nghiệm, nhưng tôi còn chần chừ. Tùng đón tôi về Kiên Giang, đưa tôi đến cơ sở điều trị, cũng là người truyền lửa cho tôi trở thành đồng đẳng viên”, T. kể về Tùng – trưởng nhóm CBO The Sun.
T. cùng các bạn đồng đẳng viên trong nhóm The Sun đã “lăn lộn” để tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM có nguy cơ nhiễm HIV. T. khoe với tôi: “6 tháng là hành trình ngắn, nhưng tôi đã đưa được 2 bạn vào điều trị ARV và 5 trường hợp điều trị PrEP tại Vĩnh Thuận và U Minh Thuận (Kiên Giang)”.
Danh Tùng (áo trắng) - Trưởng nhóm CBO The Sun chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm đối tượng nguy cơ trong nhóm MSM. |
Để tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM, T. phân định các nhóm tuổi của đối tượng. T. bảo, các bạn trẻ hầu hết đều tìm kiếm bạn tình trên app BlueD. Một số người có gia đình, cao tuổi không muốn công khai thì không hoạt động trên app BlueD mà chỉ lập hội nhóm LGBT (cộng đồng người đồng tính) riêng.
Quá quen với sự bị từ chối tiếp cận, bị hiểu nhầm, bị gạ tình… thậm chí còn bị người nhà gọi điện dọa nạt vì tưởng là đối tượng dụ dỗ con mình quan hệ đồng giới… nhưng T. cũng như nhiều CBO khác, vẫn “dấn thân” lao vào các điểm nóng.
T. bảo, mối lo ngại nhất là nhiều bạn trẻ hiện nay do thiếu hiểu biết nên tự mang bệnh vào người. Những người nhiễm rồi, thì lại có chiều hướng rất tiêu cực. “Có những người bi quan về bệnh tật, bất cần đời tới mức cố tình làm cho người khác cũng nhiễm HIV giống mình. Nếu không bám sát họ, tích cực truyền thông thì vô cùng nguy hiểm cho các bạn tình của đối tượng”, T. kể.
Có kinh nghiệm nhiều năm làm CBO, nhưng Nguyễn Huy Hoàng (đồng đẳng viên tại Long An) bày tỏ, việc tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM rất khó. Ngoài làm việc chính để sinh sống, những lúc rảnh, các thành viên CBO dành toàn bộ thời gian "dạo chơi" trên mạng, đăng nhập vào các app BlueD, mạng xã hội Tiktok, Facebook, Instagram… để săn tìm đối tượng.
Lân la làm quen, hỏi han, rồi Hoàng mới nhỏ nhẹ truyền thông cho các bạn về quan hệ tình dục an toàn, những nguy cơ nhiễm HIV nếu không có biện pháp, hoặc phải bảo vệ bản thân bằng điều trị dự phòng PrEP.
Có những người bi quan về bệnh tật, bất cần đời tới mức cố tình làm cho người khác cũng nhiễm HIV giống mình. Nếu không bám sát họ, tích cực truyền thông thì vô cùng nguy hiểm cho các bạn tình của đối tượng.
L.T.T (CBO tại Kiên Giang)
Kiên Giang có 3 chợ tình chính: Chợ tình Bãi Dương, chợ tình tại quảng trường Trần Quang Khải và chợ tình tại Bệnh viện Lao Phổi tỉnh. Ngoài tiếp cận qua app BlueD, các CBO còn xuống chợ tình để gặp trực tiếp các đối tượng. Không mang danh là tiếp cận viên đi tư vấn hay xét nghiệm, các CBO đến với chợ tình bằng tâm thế đi tìm kiếm bạn tình, mang theo sinh phẩm xét nghiệm, bao cao su, gel bôi trơn...
“Chúng tôi bắt chuyện xem đối tượng bao nhiêu tuổi, có sử dụng biện pháp tình dục an toàn không, có nhiều bạn tình chưa, đã bao giờ uống PrEP chưa. Trường hợp nào chưa biết về PrEP, chúng tôi sẽ biết bạn này đang thiếu kiến thức, chưa hiểu gì về lây nhiễm HIV.
Dần dần lân la, chúng tôi mới giới thiệu về PrEP, xét nghiệm HIV, về thuốc điều trị ARV, tặng gel, tặng bao cao su... Trước khi rời đi, chúng tôi gửi danh thiếp cho các bạn nếu cần liên lạc tư vấn. Vài ngày sau, chúng tôi quay lại tiếp tục bắt chuyện với các bạn này để tiếp tục tư vấn cho các bạn tin tưởng mình. Trung bình tiếp cận khoảng 10 bạn thì chúng tôi hỗ trợ được cho 5-6 bạn đi xét nghiệm”, Danh Tùng kể.
Một MSM tại chợ tình ở khu lấn biển Rạch Giá được Tùng tiếp cận tối 24/7. |
Người nhà “bất đắc dĩ” của người bệnh
Tại OPC Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang), Phòng khám điều trị ngoại trú hiện đang quản lý 953 bệnh nhân điều trị ARV, 22 ca Prep. Từ đầu năm đến nay, phòng khám tiếp nhận 88 bệnh nhân mới, trong đó khoảng gần 40 bạn là MSM, có trường hợp sinh năm 2008, mới đúng 15 tuổi.
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Nga, Phòng Điều trị ngoại trú (OPC Kiên Giang) cho biết, các CBO là cánh tay nối dài của nhân viên y tế, họ tiếp cận đối tượng nguy cơ, giới thiệu đến các cơ sở y tế để đưa khách hàng vào điều trị.
Nhân viên y tế và các CBO đôi lúc trở thành người thân bất đắc dĩ của người bệnh. Bác sĩ Nga không quên được hình ảnh côi cút của T.M.Đ bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ (đã chết) khi vừa chào đời. Em ở với bà ngoại dưới gầm cầu, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân. Hàng ngày, 2 bà cháu kiếm sống bằng bán vé số, kiếm sống trên sông.
Không có giấy tờ, không có bảo hiểm, các bác sĩ tại đây phải xin phần hỗ trợ từ mạnh thường quân từ gạo, mì gói để em sinh sống qua đại dịch Covid-19. Về phần điều trị, do thuốc hiện đang cấp phát qua thẻ bảo hiểm y tế, vì thế, các bác sĩ rất khó để vận động được nguồn thuốc cho trường hợp này. "Chúng tôi rất tiếc, nhưng không có cơ chế thuốc cấp phát cho em", bác sĩ Nga chua xót nói.
Một vài bạn trẻ, ngày đầu nhận kết quả dương tính, quẫn tới mức chỉ nghĩ tới cái chết vì thấy cuộc sống tăm tối. Lúc này, các CBO hoặc vừa là nhân chứng sống, hoặc kết nối cho các bạn MSM gặp nhân chứng sống đã nhiễm bệnh, nhưng tuân thủ điều trị ARV vẫn sống khỏe mạnh bình thường và họ không lây nhiễm cho bạn tình nhờ chiến dịch K=K (Không phát hiện virus – không lây nhiễm).
Kéo người nhiễm AIDS từ “cõi chết” trở về, hoặc trở thành người thân trong những ngày cuối đời của người bệnh trở thành công việc thường trực của nhiều đồng đẳng viên.
Các đồng đẳng viên tại tỉnh Kiên Giang. |
Danh Hữu Nhân, trưởng nhóm CBO Sát cánh (Kiên Giang) chia sẻ, nhóm đã nhiều lần phải trích khoản tiền của nhóm để hỗ trợ trường hợp MSM bị lừa tình. Đó là câu chuyện về cuộc đời của H.N.T đã bị bạn trai lừa tình khi làm quen trên app BlueD, bỏ nhà lên Thành phố Hồ Chí Minh theo tiếng gọi tình yêu.
Sau một thời gian sống chung, T. phát hiện mình nhiễm HIV. Nhận hung tin, bạn tình đã cắt đứt liên lạc với T. Không nhà cửa, hết tiền, T. cầu cứu Nhân để xin tiền bắt xe từ Sài Gòn về Kiên Giang với lời cam kết sẽ nghe Nhân đi điều trị.
“Chúng tôi có liên lạc với gia đình em thì người bố thẳng thắn cự tuyệt: “Nó muốn đi đâu thì mặc xác, mày có tiền thì đi mà lo cho nó”. Cực chẳng đã, nhóm xuất tiền quỹ đưa T. về lại Kiên Giang. Nhưng thay vì hứa sẽ đi điều trị, T. đã cắt đứt liên lạc với chúng tôi”, Nhân kể.
Việc phải trích quỹ để giúp khách hàng mua thẻ bảo hiểm y tế để được cấp phát thuốc điều trị. Có những trường hợp không có giấy tờ tùy thân, các CBO còn góp tiền, mua thuốc, mua thực phẩm hỗ trợ cuộc sống những người này.
Là nữ đồng đẳng viên hiếm hoi của thành phố Rạch Giá, nhiệm vụ chính của chị Lương Thị Kiều Diễm là tiếp cận tuyên truyền cho đối tượng gái mại dâm, nhưng ký ức về những bạn trẻ MSM nhiễm HIV vẫn luôn ám ảnh chị.
Chị Diễm không thể quên hình ảnh chàng trai có khuôn mặt thiên thần D.Th (Kiên Giang) héo mòn dần vì HIV. Th. vốn là cậu ấm trong một gia đình giàu có. Sau khi qua Malaysia làm việc, Th. phát hiện nhiễm HIV nhưng tự điều trị thuốc ngoài luồng.
Cho tới khi gặp phản ứng thuốc ARV, gia đình mới phát hiện Th. bị nhiễm HIV. Cú sốc lớn nhất với Th. là bị gia đình "từ mặt". Ngay cả khi Th. bị liệt, chỉ sinh hoạt tại chỗ, cũng không có bóng dáng của người thân trong gia đình. “Khi Th. gặp tôi thì quá muộn, hạch đầy ổ bụng rồi, không điều trị được nữa. Th. ra đi ở tuổi 22, không có người thân bên cạnh”, đôi mắt chị Diễm ngấn lệ vì thương xót như mất đi người thân.
D.Th (Kiên Giang) đã ra đi ở tuổi 22. Chị Lương Thị Kiều Diễm là người ở bên cạnh Th. những ngày cuối đời, chăm sóc em như người nhà. |
Tỉnh Bình Dương hiện đang duy trì 4 nhóm đồng đẳng (CBO) hỗ trợ CDC trong việc tìm ca nhiễm mới tại cộng đồng với nhóm đích là MSM. Sau thời gian dài hoạt động, các nhóm hoạt động rất hiệu quả với các chỉ tiêu đều đạt trên 100%. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 nhóm CBO là các doanh nghiệp tư nhân, cung cấp được các dịch vụ đa dạng.
Tại Kiên Giang, dù mới chỉ có 2 nhóm CBO hoạt động cùng các đồng đẳng viên ở các trung tâm y tế huyện cũng mang lại những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, nhóm The Sun tiếp cận được vài trăm bạn trẻ, trong đó phát hiện 28 ca dương đưa vào điều trị ARV và 53 ca PrEP.
Nhóm CBO của Nguyễn Minh Phong (Long An) cũng đang trên đà tiếp cận nhiều hơn bạn trẻ. Từ tháng 10/2022 đến hết tháng 6/2023 (tính theo năm tài chính thứ tư của dự án US.CDC/EPIC), nhóm đã tiếp cận xét nghiệm cho 1.673 đối tượng nguy cơ cao, chuyển gửi thành công 81 trường hợp nhiễm HIV điều trị thành công, 278 khách hàng được chuyển gửi điều trị PrEP.
Điều trị dự phòng PrEP sẽ ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM. |
Bà Võ Thị Lợt, Phó Giám đốc CDC Kiên Giang cho hay, nếu không có những đồng đẳng viên, việc tiếp cận quần thể ẩn là thách thức lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm ở nhóm MSM đang tăng rất báo động. Các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ không phải là điều dễ dàng. Nếu không có đồng đẳng viên, cộng tác viên của các nhóm CBO, việc tìm ra các ổ dịch, khống chế ổ dịch là điều bất khả thi.
Còn theo bác sĩ Vương Thế Linh (CDC Bình Dương), dù có dự án để trả công tìm ca cho các CBO với giá chừng 120.000 đồng cho một ca PrEP và 1.800.000 đồng cho một ca ARV, nhưng nếu những cán bộ này không nhiệt tình tham gia thì các CDC có trả bao nhiêu tiền họ cũng không làm.
Bài 1: HIV đã "len lỏi" vào giới trẻ
Bài 2: "Điểm nóng" HIV tại đồng bằng sông Cửu Long
NGUON BAO ND