Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới

Thứ tư, ngày 3 tháng 7 năm 2024 | 10:13

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu gồm đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các trường đại học và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

Trong bối cảnh, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường. Nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến ngày càng sâu sắc đang tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Thực tiễn đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, nhất là cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới ảnh 1

Các đại biểu phát biểu góp ý tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; phân tích các kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế.

 

Từ kết quả thực tiễn, các đại biểu đề xuất nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới, nổi bật như: tăng cường tín dụng chính sách xã hội trong thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện.

Từ góc độ pháp lý, nhiều đại biểu đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; xây dựng, thiết kế và hệ thống lại các chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với các tổ chức đảng, cần tập trung lãnh đạo để tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội...

Những ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý cũng như các tài liệu, tham luận, báo cáo chuyên đề tại hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, tổng hợp, chắt lọc nhằm phục vụ nhiệm vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI.