Tăng cường ứng dụng công nghệ số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngành hải quan đang chú trọng đẩy mạnh xây dựng hải quan điện tử, chuyển đổi hải quan số, góp phần đắc lực cho việc tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý. Quá trình này được cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Đây là cơ sở và nền tảng để tiến tới mô hình hải quan thông minh.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, bao gồm không ít doanh nghiệp có doanh số xuất, nhập khẩu lớn. Song, với những giải pháp đồng bộ, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, số thu thuế xuất, nhập khẩu của các cơ quan hải quan vẫn tăng mạnh.
Trợ sức doanh nghiệp xuất, nhập khẩu
Trong hai năm 2020 và 2021, tuy chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng tần suất các "tàu mẹ" cập cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vẫn tăng liên tục. Tại thời điểm này, hằng tuần có 33 chuyến "tàu mẹ", trong đó có nhiều "siêu tàu" tải trọng lớn, như: Tàu Margrethe Maersk hơn 200 nghìn tấn; tàu Cosco Shipping Aquarius hơn 197 nghìn tấn… cập cảng Cái Mép-Thị Vải. Lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu vì thế cũng tăng cao, nhưng với việc số hóa các thủ tục hải quan, thực hiện thủ tục hải quan trực tuyến, tình trạng container ùn ứ do chậm thông quan đã không xảy ra. Điều này được doanh nghiệp và các hãng tàu đánh giá cao.
Chia sẻ với chúng tôi, Cục trưởng Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Văn Danh cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, khi giao thông đi lại khó khăn, nhiều lô hàng không kịp làm thủ tục hải quan trong thời hạn. Được sự hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh nhanh chóng thông báo cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan. Các chi cục cũng thành lập các tổ hỗ trợ, hướng dẫn xử lý vướng mắc của doanh nghiệp, bảo đảm thông quan hàng hóa. Nhờ đó, trong đại dịch, số thu thuế xuất, nhập khẩu của Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tăng mạnh, với trung bình hơn 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Quý I/2022, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã làm thủ tục cho 4.874 tờ khai, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 12.724 triệu USD, tăng 3,58% so cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/3 đạt 4.677 tỷ đồng, tăng 22,22% so cùng kỳ. Theo Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Bình, với mong muốn được phục vụ ngày càng tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thủ tục hải quan, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục, nhất là các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Là đơn vị hải quan quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu chiếm 50% thị phần của cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Theo thống kê quý I/2022, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách nhà nước được 32.722 tỷ đồng, đạt 28,1% dự toán pháp lệnh và 27,4% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến ngày 19/4, thu ngân sách nhà nước được 14.500 tỷ đồng, đạt 31% chỉ tiêu được giao cả năm 2022 là 47.000 tỷ đồng. Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Đỗ Thế Mạnh, cho biết: "Thời gian qua, Chi cục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết thủ tục hồ sơ, bước đầu đã phát huy tác dụng, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp. Mỗi ngày, Chi cục giải quyết hàng nghìn tờ khai hải quan nhưng có rất ít doanh nghiệp trực tiếp đến làm thủ tục vì các thủ tục có thể khai báo online qua hệ thống VNACCS/VCIS. Những giải pháp nghiệp vụ thông quan nhanh hơn giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hồ sơ hàng hóa xuất, nhập khẩu".
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Thời gian qua, hoạt động của ngành hải quan thành phố Hồ Chí Minh có nhiều thay đổi tích cực, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, triển khai hải quan điện tử giúp cho hoạt động logistics vận hành thuận lợi ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, phải thực hiện giãn cách kéo dài. Nhờ đó, dòng chảy hàng hóa được duy trì ổn định. Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp logistics, thành phố cần giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, ngành hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ số, tiến tới hải quan phi giấy tờ, hải quan thông minh.
Giải quyết thủ tục hồ sơ xuất, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Tàu.
Tối ưu hoạt động bằng công nghệ số
Với mong muốn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp.
Tại Bình Dương, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử, Cục Hải quan tỉnh đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng phần mềm khai hải quan miễn phí. Đây là phần mềm được triển khai trên nền tảng website được cài đặt tập trung tại Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp chỉ cần có thiết bị kết nối internet là có thể truy cập khai hải quan, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, bản quyền... Phần mềm khai hải quan này cũng được kịp thời cập nhật để đáp ứng các yêu cầu mới về hải quan số, hải quan thông minh mà ngành hải quan đang triển khai. Đến nay, tất cả các thủ tục hải quan cốt lõi đã hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh (hàng miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và hàng hóa) chỉ từ 1 đến 3 giây.
Hiện, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực hải quan ở mức độ 3 và 4, 100% thủ tục phát sinh được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Để triển khai chương trình cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, áp dụng từ ngày 1/1/2022, Cục Hải quan tỉnh đã thông báo rộng rãi và thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng phần mềm khai hải quan miễn phí tại Cục và các chi cục hải quan cửa khẩu; tiếp nhận, giải đáp các vướng mắc phát sinh.
Theo định hướng xây dựng mô hình hải quan thông minh trong thời gian tới, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung giảm bớt các khâu trung gian, tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu; đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, tích hợp cao. Mục tiêu của hải quan thông minh là tiếp nhận thông tin khai báo mọi lúc mọi nơi, mọi phương tiện, tự động tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho người khai hải quan; đơn giản hóa thủ tục hải quan, kết nối thông minh thông tin hàng hóa, phương tiện giữa các hãng vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, ngân hàng, kho bạc, cảng vụ, biên phòng, xuất, nhập cảnh, người khai hải quan… để quản lý hàng hóa, phương tiện từ khâu đầu đến khâu cuối; xử lý tự động tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan; hỗ trợ tối đa cán bộ, công chức hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, nhanh chóng; hệ thống có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp qua cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu với hải quan các nước…
Từ năm 2019, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ sinh thái hợp nhất hệ thống quản trị hải quan (gọi tắt là HCAS) với các ứng dụng hỗ trợ hoạt động quản lý nội bộ và quản lý nghiệp vụ hải quan nhằm đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa hệ thống thông tin của Cục với các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Ngoài ra, hải quan thành phố Hồ Chí Minh cũng đang hoàn thiện kiến trúc phần mềm, cơ sở dữ liệu, giải pháp kết nối Hệ thống tích hợp theo dõi hàng hóa trực tuyến theo Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái.
Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) Vương Tuấn Nam cho biết: Ứng dụng công nghệ số để phân tích, phân loại hàng hóa là một trong những khâu đột phá giúp hải quan thành phố Hồ Chí Minh thông quan hàng hóa nhanh chóng. Để làm được như vậy, Cục Hải quan thành phố đã số hóa dữ liệu 30.000 kết quả phân tích, phân loại mặt hàng. Dựa vào đó, công chức hải quan có thể tra cứu, phân tích thông tin tất cả các mặt hàng của doanh nghiệp rất nhanh chóng. Ngoài ra, công nghệ tự động hóa cũng hỗ trợ hải quan trong công tác kiểm tra, đánh giá và đưa ra kết luận hàng hóa có hợp lệ thông quan hay không. Những ứng dụng như vậy rất phù hợp với định hướng xây dựng hải quan thông minh của Cục Hải quan thành phố.
Nguồn
https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-so-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-694313/
- Đích nhắm đầu tư: Việt Nam là điểm đến số 1
- Doanh nghiệp Thủ đô giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng xứ Nghệ
- Hơn 90% DN Đức dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam
- Cánh điện gió bất động, chục nghìn tỷ phơi nắng mưa chờ cơ chế
- Bán giấy thu tiền: Soi kỹ dòng tiền chục nghìn tỷ đi đâu, làm gì, mua bán ra sao
- Mỹ miễn thuế pin năng lượng mặt trời nhập khẩu của Việt Nam
- Không để cá nhân, doanh nghiệp né nghĩa vụ kinh doanh
- Bất động suốt 2 năm, doanh nghiệp gần như vô danh Vạn Trường Phát bất ngờ vay tới 10.000 tỷ đồng trái phiếu
- Thương mại Tự do Năng lượng đặt dấu chấm hết do xung đột Nga – Ukraine