Tăng giá điện: Các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào

Thứ hai, ngày 13 tháng 11 năm 2023 | 12:24

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 9/11/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Tăng giá điện: Các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào?- Ảnh 2.

Tăng giá bán điện 4,5%

Theo đó, căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; căn cứ văn bản số 915/BCT-ĐTĐL ngày 8/11/2023 của Bộ Công Thương, ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 09 tháng 11 năm 2023. 

Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Ngày 8/11/2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 2941/QĐ-BCT ngày 8/11/2023 quy định về giá bán điện. 

Trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Tăng giá điện: Các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào?- Ảnh 4.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện. Ảnh VGP

Tăng giá bán điện, hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng không đáng kể

Theo Tập đoàn EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. 

Cụ thể, theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Tăng giá điện: Các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào?- Ảnh 5.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng tương ứng 4,5%. Đồ họa EVN

Tăng giá bán điện: Các nhóm khách hàng phải trả thêm bao nhiêu tiền?

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ tác động đến từng nhóm khách hàng.

Cụ thể: Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có 547 nghìn khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/ tháng.

Với nhóm khách hàng sản xuất (có 1.909 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng.

Còn với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (có 681 nghìn khách hàng), sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.

'Việc điều chỉnh giá điện đã hướng tới bảo vệ người có thu nhập thấp'

Tăng giá điện: Các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào?- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng như ngành Điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp.

Điều chỉnh giá điện: Nhà nước và ngành điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này đối với người tiêu dùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu rõ: "Mọi người đều thấy rằng, chi phí đầu vào cho sản xuất điện ngày càng tăng. Nếu giá điện không được điều chỉnh kịp thời, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ngành Điện. 

Đối với khách hàng, việc điều chỉnh giá điện là một khoản phải chi thêm. Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, tôi thấy rằng, khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng như ngành Điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp. 

Cụ thể, mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đợt này, với những hộ tiêu thụ điện ở bậc 1 và bậc 2 (đa số là những người thu nhập thấp), thì giá sau điều chỉnh vẫn ở dưới mức giá điện bình quân". 

Cần tiết kiệm điện mọi lúc, mọi nơi

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng: "Điện là một loại hàng hóa đặc biệt, được Nhà nước áp dụng chính sách giá bậc thang để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm; càng sử dụng nhiều, giá điện càng cao. Dù vậy, trên thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng điện rất lãng phí.

Xác định, điện là tài sản quốc gia, thời gian qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn luôn khuyến nghị người tiêu dùng tiết kiệm điện, tránh lãng phí. Cần tiết kiệm điện mọi lúc, mọi nơi. 

Chúng ta nên hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm; tắt điện khi không cần thiết; lựa chọn kỹ các thiết bị ít tiêu tốn điện năng…"

Đánh giá như thế nào về dịch vụ điện năng mà EVN đang cung cấp, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: "Ngành Điện đã và đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng. 

Chúng ta đều biết, trước đây, khi có nhu cầu, khách hàng phải đến điểm giao dịch của điện lực để thực hiện các thủ tục, dịch vụ, còn hiện nay, nhờ chuyển đổi số, khách hàng dễ dàng thực hiện các dịch vụ điện như: nộp tiền điện, đăng ký các dịch vụ điện… mọi lúc, mọi nơi… thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Đây là một kết quả thể hiện sự thay đổi tích cực của EVN".

Một số mục tiêu, nhiệm vụ công tác của EVN trong tháng 11/2023

Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 11/2023, nhiệt độ trung bình ở khu vực Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0-2,00C, tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,00C. Không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất nhưng cường độ có khả năng không mạnh.

Tháng 11/2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt người dân dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo, đặc biệt là phục vụ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Mục tiêu vận hành hệ thống: Đảm bảo vận hành ổn định, an toàn, tin cậy hệ thống điện. Tiếp tục huy động cao các nhà máy nhiệt điện; các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu, mục tiêu tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm.

Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện: Tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống bão lũ tại các công trường, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nguồn điện: Nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án Thủy điện Trị An mở rộng. 

Về lưới điện: Tiếp tục khẩn trương tiến hành các thủ tục và triển khai thi công các dự án thuộc đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; phối hợp với chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hoá để đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hóa; khẩn trương hoàn thành thi công để đóng điện trong tháng 11 và 12 năm 2023 các dự án giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (dự án mở rộng trạm biến áp 220kV Phước Thái, trạm biến áp 220kV Vĩnh Hảo, trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu); giải quyết dứt điểm các vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín; lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo chuyên ngành, đăng ký vốn ngân sách Nhà nước cho dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo...

Trong tháng 11/2023, dự báo có khả năng xuất hiện từ 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta; các đợt mưa vừa, mưa to vẫn có thể xảy ra tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; hiện tượng dông, lốc và sét có thể kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. 

EVN tiếp tục chỉ đạo các Công ty/Nhà máy thủy điện vận hành hồ đập theo đúng chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ đạo của các tỉnh/ thành phố. 

Các Tổng Công ty/Công ty Điện lực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa. 

Để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, EVN bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 14h30), cao điểm tối (từ 20h00 đến 22h00).

Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…