Ông Ngô Trịnh Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao – cho biết khi trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam.
• Tháng 10/2021, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã phát động “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan”. Xin ông cho biết, việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị của kiều bào kể từ khi khảo sát được phát động cho đến nay ra sao? Thời gian tới, việc tiếp nhận ý kiến của kiều bào sẽ được thực hiện như thế nào?
- Ông Ngô Trịnh Hà: Việc khảo sát, lấy ý kiến kiều bào là nhiệm vụ thường xuyên của Ủy ban trong công tác xây dựng chính sách pháp luật và được thực hiện bằng nhiều phương thức.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống, Ủy ban xác định cần đổi mới phương thức tập hợp ý kiến đóng góp của kiều bào, linh hoạt kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm tạo thuận lợi để kiều bào có thể đóng góp ý kiến từ xa, khắc phục những hạn chế về thời gian và không gian.
Trên tinh thần đó, chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến của NVNONN về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” đã ra đời, với mong muốn tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản hồi của bà con kiều bào về tình hình triển khai các thủ tục hành chính, chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN.
Trong khuôn khổ chương trình này, bà con có thể lựa chọn vấn đề muốn đóng góp ý kiến hoặc tham gia khảo sát tất cả các lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, mua và sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất, đầu tư, lao động, chế độ ưu đãi chuyên gia, xuất – nhập cảnh, thủ tục hành chính, trí thức kiều bào…
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII yêu cầu có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, các ý kiến, kiến nghị của kiều bào đều được Ủy ban tập hợp, nghiên cứu kỹ và phối hợp với các cơ quan liên quan để nhanh chóng xử lý.
Cụ thể, về các ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, Ủy ban đang phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan nhằm đưa ra các kiến nghị cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của bà con.
Về các ý kiến phản ánh những vướng mắc cụ thể liên quan tới thủ tục hành chính, Ủy ban đã phối hợp và chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và kịp thời thông báo tới người phản ánh, kiến nghị.
Thời gian tới, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ, trên tinh thần khuyến khích và tạo điều kiện để kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lấy ý kiến của kiều bào thông qua các hình thức sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa việc tập hợp ý kiến của kiều bào đóng góp cho các chủ trương, chính sách lớn và các vấn đề quan trọng của đất nước, cũng như việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến NVNONN, linh hoạt kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hai là, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
• Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú ý quản lý cán bộ, đảng viên làm việc trong lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu, học tập, lao động, công tác ở nước ngoài. Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động tham gia công tác NVNONN có đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tâm huyết. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các yêu cầu trên trong thời gian qua? Việc triển khai các yêu cầu trên trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo phương hướng nào, thưa ông?
- Ông Ngô Trịnh Hà: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, công tác cán bộ luôn được quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác NVNONN.
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác đối với NVNONN, đặc biệt là Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với NVNONN, Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với NVVONN trong tình hình mới (Chỉ thị 45) và Kết luận 12 của Bộ Chính trị, công tác cán bộ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, công tác cán bộ luôn gắn liền với việc kiện toàn bộ máy làm công tác về NVNONN cả trong và ngoài nước. Bộ máy có hoàn thiện, tinh gọn, hiệu quả thì cán bộ mới có điều kiện phát huy năng lực, tính sáng tạo, tâm huyết với công việc. Cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, làm tốt vai trò cơ quan tham mưu, thống nhất quản lý công tác đối với NVNONN. Một số bộ và tỉnh, thành phố đã lập bộ phận giúp lãnh đạo hoặc cử cán bộ chuyên trách về công tác đối với NVNONN. Đại đa số các Cơ quan đại diện (CQĐD) ta tại nước ngoài đều có bộ phận công tác cộng đồng và cán bộ chuyên trách làm công tác cộng đồng (tại các địa bàn có đông kiều bào) hoặc cử cán bộ kiêm nhiệm.
Đội ngũ cán bộ làm công tác NVNONN không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức. Bộ Ngoại giao thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, đưa nội dung về công tác NVNONN vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ ngoại giao, cũng như cho cán bộ làm công tác này tại các bộ, ban, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai công tác này vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về công tác NVNONN tại các ban, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt tại một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu và yếu.
Trong bối cảnh đó, trước yêu cầu xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại phục vụ phát triển đất nước, Ủy ban sẽ đẩy mạnh triển khai công tác cán bộ theo những phương hướng sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức đối với mỗi cán bộ làm công tác NVNONN về vai trò của công tác đối ngoại nói chung và công tác NVNONN nói riêng.
Công tác NVNONN có đặc thù là sự giao thoa của cả công tác ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa. Do vậy, cán bộ làm công tác NVNONN trước hết phải là cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, cán bộ làm công tác NVNONN còn là cán bộ làm công tác dân vận. Do vậy, những phẩm chất, kỹ năng của cán bộ làm công tác dân vận, đó là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” phải luôn được trau dồi và hoàn thiện.
Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN, trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng NVNONN.
Tại các CQĐD, nơi triển khai công tác đối với NVNONN trực tiếp và thường xuyên nhất, tất cả cán bộ CQĐD cần nhận thức rõ rằng công tác vận động kiều bào là nhiệm vụ của mỗi người, và hoạt động mọi mặt của CQĐD, từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác lãnh sự… cũng luôn gắn liền với công tác NVNONN, từ đó triển khai công tác một cách chủ động, tích cực.
Thứ ba, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác đối với NVNONN cho cán bộ các cơ quan trung ương, địa phương, cán bộ làm công tác cộng đồng của các CQĐD.
Trân trọng cảm ơn ông!