Tạo nền tảng an sinh vững chắc

Chủ nhật, ngày 29 tháng 10 năm 2023 | 11:48

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, dành nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, qua đó tạo nền tảng an sinh xã hội vững chắc.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân về vấn đề này.

kham-1.jpg

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân.

Chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác bảo trợ xã hội

- Ông có thể chia sẻ về kết quả công tác bảo trợ xã hội của Hà Nội từ đầu năm đến nay?

- Bảo trợ xã hội là một trong những hợp phần quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, là một trong các tiêu chí đánh giá tiến bộ và công bằng xã hội, chính vì vậy, công tác này luôn được Hà Nội quan tâm đặc biệt.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thực hiện hiệu quả chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, bao gồm: Chi trả trợ cấp hằng tháng cho 216 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 1.451,2 tỷ đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng 3.148 đối tượng là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, người cần bảo vệ khẩn cấp tại các cơ sở bảo trợ xã hội với kinh phí 53,5 tỷ đồng; tiếp nhận 506 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội.

Hiện có trên 3.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố. Đặc biệt, về công tác trợ giúp xã hội đột xuất, tính từ đầu năm đến nay, tổng kinh phí thực hiện công tác này là 1,081 tỷ đồng.

- Trong số các đối tượng cần được trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được quan tâm. Công tác này của thành phố thời gian qua được triển khai ra sao?

- Thành phố hiện có 1.912.636 trẻ em, trong đó có 12.765 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tổng hợp 10 tháng năm 2023, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ xã hội Hà Nội đã vận động được 149 đơn vị tài trợ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố với số tiền 10,29 tỷ đồng (gồm tiền mặt 4,91 tỷ đồng và hiện vật trị giá 5,38 tỷ đồng). Thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 9.451 lượt trẻ em với kinh phí 11,85 tỷ đồng. Hiện 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau; 100% các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới, trẻ em bị bạo lực khi nhận được thông tin hoặc phát hiện đều được can thiệp, trợ giúp kịp thời.

kham-2.jpg

Thăm khám sức khỏe cho người được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 Hà Nội.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo người nghèo và các đối tượng chính sách

- Hoạt động bảo trợ xã hội đã góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” như thế nào, thưa ông?

- Có thể thấy rõ hiệu quả công tác bảo trợ xã hội qua một số chỉ tiêu về kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU trong 9 tháng năm 2023. Nổi bật như tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội là 51,5% (đạt 105,1% kế hoạch năm 2023). 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí. 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. 100% cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời. 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố…

- Nói riêng về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và trợ giúp người khuyết tật, điểm nhấn đặc biệt theo ông là gì?

- Toàn thành phố hiện có 1.044.965 người cao tuổi, chiếm 13% dân số; 109.275 người khuyết tật, chiếm 1,38% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định, bao gồm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí… Người khuyết tật được trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật, đi xe buýt miễn phí, vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội… Qua đó, góp phần giúp họ tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

- Việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của những người làm công tác bảo trợ xã hội, ông có thể nói gì về điều này?

- Đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân và 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99% tổng số hộ dân. Hiện thành phố có 16 quận, huyện không còn hộ nghèo. Riêng 3 quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Để thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo của Trung ương và chính sách đặc thù thành phố.

Chúng tôi đã thực hiện rà soát nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà ở, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023 tại các địa phương. Các quận, huyện, thị xã cũng tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững. Dự kiến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn khoảng 0,006%.

Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức hội nghị hoạt động ủy thác vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay đối với người nghèo ở một số địa phương. Theo đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, doanh số cho vay 9 tháng năm 2023 đạt 3.877 tỷ đồng, với 81.500 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 2.980 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% doanh số cho vay. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 13.628 tỷ đồng với khoảng 262.600 khách hàng đang vay vốn, tăng 897 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7%.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Từ nay đến cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ gì để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác bảo trợ xã hội?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hỗ trợ kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trước mắt, tiếp tục thực hiện các bước xây dựng nghị quyết về chính sách cho một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần sự can thiệp khẩn cấp và trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng để tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố vào kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023.

Sở cũng rà soát, tham mưu thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách xã hội theo quy định, lan tỏa, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.