Tạo thuận lợi cho việc cấp phiếu lý lịch tư pháp
Cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, tránh bị lạm dụng đang là vấn đề trọng tâm của ngành Tư pháp trong năm 2024.
Thực tế đã có nhiều chương trình, kế hoạch được triển khai, trong đó đáng chú ý là thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, trước mắt thực hiện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Người dân làm thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh
Nhiều vướng mắc đặt ra
Năm 2023, xuất hiện hiện tượng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố chưa chủ động trong tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu tăng cao của người dân, dẫn đến tình trạng chậm trễ, ùn ứ tại một số thời điểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đáng nói, việc tích hợp, liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin “một cửa” điện tử và phần mềm quản lý lý lịch tư pháp hiệu quả chưa như mong muốn. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến ngày càng tăng, tuy nhiên, qua theo dõi tổng hợp, phản ánh cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa sử dụng phương thức này khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Thủ đô Hà Nội, đã có thời điểm trong năm 2023, lượng người tới Sở Tư pháp Hà Nội xác minh lý lịch tư pháp tăng đột biến, gây quá tải trong khâu xử lý. Sở Tư pháp Hà Nội cũng nêu lên khó khăn trong công tác xác nhận xóa án tích cần lượng thông tin đầu vào rất lớn, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm trễ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Còn ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra trường hợp sai sót phải hủy bỏ phiếu lý lịch tư pháp; trễ hẹn hồ sơ...
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước trong thời gian qua. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp 51.211 phiếu, thành phố Hồ Chí Minh cấp 95.979 phiếu, tỉnh Nghệ An cấp 56.900 phiếu. Đặc biệt, tại Hà Nội, năm 2023, số lượng hồ sơ yêu cầu cấp gấp 1,5 lần năm 2022. Tuy nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế nên việc đáp ứng yêu cầu của người dân có khó khăn nhất định.
Sẽ thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại quận, huyện
Từng bước khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tư pháp đã yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quán triệt, tuân thủ đúng quyền yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp theo các quy định tại Khoản 3 Điều 7, Luật Lý lịch tư pháp; có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp. Trên tinh thần này, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền; tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác lý lịch tư pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý, trong đó có kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực, trình cơ quan có thẩm quyền xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Đón nhận thông tin này, chị Bùi Ngọc Thoan (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) phấn khởi nói, hiện nay, Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Nếu đề xuất được thông qua, người dân sẽ có thêm 30 địa điểm để đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp. Việc này không những góp phần giảm áp lực trực tiếp cho Sở Tư pháp mà còn tạo thuận lợi hơn cho người dân, tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài các giải pháp nêu trên, thể chế pháp luật về lý lịch tư pháp cần đi trước một bước nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và giải quyết các yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Để thực hiện việc này, Bộ Tư pháp sẽ tập trung rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp. Những nội dung có thể giải quyết bằng sửa đổi, bổ sung thông tư, nghị định, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, thực hiện sớm. Các vấn đề yêu cầu đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp, cần nghiên cứu, đánh giá đề tham mưu, đề xuất theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, kết quả thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng là một trong những cơ sở để nghiên cứu sửa Luật Lý lịch tư pháp.
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam