Tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy: Ý kiến từ các nhà quản lý
Có việc làm chính đáng, nguồn thu nhập đều đặn là “đường về” của không ít người sau cai nghiện ma túy trên phạm vi cả nước nói chung, ở thành phố Hà Nội nói riêng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho nhóm lao động đặc thù hiện còn nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Hànộimới lược ghi ý kiến từ một số nhà quản lý về nội dung này.
Hai nhân vật cai nghiện ma túy thành công chia sẻ tại tọa đàm “Đường về” do Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm thành phố Hà Nội tổ chức, tháng 11-2023.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi:
Gỡ vướng cho công tác dạy nghề
Trên địa bàn Hà Nội, công tác dạy nghề tại các cơ sở cai nghiện ma túy và một số mô hình tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên cai nghiện và sau cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn.
Để từng bước gỡ vướng, tôi đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các bên liên quan tiếp tục nhân rộng các điển hình trong vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền ở cơ sở quan tâm phát động phong trào toàn dân giúp đỡ, quản lý người nghiện cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của bản thân người nghiện, gia đình người nghiện, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm thành phố Hà Nội:
Triển khai hiệu quả, linh hoạt hơn
Hiện nay, chương trình dạy nghề tổ chức trong các cơ sở cai nghiện chủ yếu mang tính “trị liệu” cho học viên là chính, nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho học viên sau cai nghiện ma túy. Chính sách cho học viên sau cai nghiện ma túy được vay vốn để tạo việc làm, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các học viên sau cai nghiện vào làm việc còn nhiều vướng mắc, nên ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Bản thân người sau cai nghiện cũng mặc cảm, tự ti, chưa thực sự có ý chí để tìm công việc phù hợp, tránh xa môi trường cũ...
Trên thực tế, nhu cầu được dạy nghề tại các cơ sở cai nghiện ma túy và có được việc làm ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng là mong muốn của các học viên, là “cầu nối” để họ trở về cuộc sống lành mạnh. Do đó, vấn đề này cần được triển khai sao cho hiệu quả, linh hoạt hơn.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết:
Người sau cai nghiện có thể vay vốn tín chấp
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều chương trình cho người dân vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Đối tượng được giải quyết vay vốn khá đa dạng, trong đó có người sau cai nghiện ma túy trở về và gia đình của họ.
Theo đó, người sau cai nghiện ma túy có thể vay vốn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Thời hạn cho vay tùy theo mục đích kinh doanh, ví dụ để chăn nuôi lợn, thì chỉ cần một năm là có thể xuất chuồng đàn lợn, nên thời gian cho vay tối đa vay là một năm, còn vay để mở cửa hàng sửa chữa xe máy có thể vay trong khoảng thời gian tối đa 5 năm. Về hạn mức, nếu vay tín chấp thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở, mỗi người được vay dưới 100 triệu đồng. Nếu vay từ 100 triệu đồng trở lên cần có đăng ký kinh doanh và tài sản thế chấp, mức cho vay tối đa có thể lên đến 2 tỷ đồng...
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên Trần Thị Hoài Hương:
Chính quyền địa phương và gia đình luôn đồng hành
Tại quận Long Biên, chính quyền địa phương và gia đình luôn đồng hành về nhiều mặt với các học viên hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện ma túy trở về, bảo đảm tất cả các đối tượng được tham gia vào mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn quận.
Về nguồn vốn tạo việc làm, ngoài nguồn vốn của trung ương và thành phố, quận Long Biên xây dựng đề án riêng, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của quận nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người dân, trong đó có nhóm đối tượng lao động là người sau cai nghiện ma túy. Năm 2021 và 2022, quận Long Biên tạo điều kiện cho 30 người sau cai nghiện ma túy vay vốn. Năm 2023, các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết cho nhiều trường hợp tiếp cận với vốn vay ưu đãi... Hy vọng với sự hỗ trợ này, thêm nhiều người sau cai nghiện ma túy sẽ có việc làm, ổn định cuộc sống.
Giám đốc Công ty Ebisu Việt Nam Chung Quang Hùng:
Cơ hội sẽ đến với ai quyết tâm từ bỏ ma túy
Những năm qua, chúng tôi phối hợp với một số cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho học viên cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy.
Trong quá trình tiếp xúc với các học viên, tôi nhận thấy số đông có khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp khá tốt. Thậm chí, nhiều người có tố chất rất tốt để đảm đương những việc khó, đòi hỏi nắm chắc kỹ thuật. Đây là điều kiện cần thiết để họ sớm có công việc ổn định để trang trải cuộc sống, thậm chí có thể hỗ trợ cho gia đình. Vấn đề ở đây chỉ là tâm thế của họ khi tìm kiếm việc làm. Thế nên, chỉ cần mỗi người luôn tự tin vào bản thân, quyết tâm từ bỏ ma túy, thì cơ hội việc làm sẽ đến với họ. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để họ không bị tái nghiện, vững vàng hơn trong cuộc sống.
- Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ
- Anh dân quân không tham của rơi, tìm người để trả
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3