Tập trung 3 giải pháp cốt lõi nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội Tin tức - 09/08/2023 11:16 Hạnh Nguyên
Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò chủ trì trong giám sát, phản biện xã hội; Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương, đơn vị đang triển khai, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
Sáng 9/8, tại Hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Trần Quang Đạo, đề nghị Thành uỷ tiếp tục có các giải pháp cụ thể hơn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 18/1/2023 về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn trả lời câu hỏi của đại biểu tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với MTTQ các cấp thành phố |
Nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đầy đủ
Chia sẻ về nội dung này, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết: Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Kế hoạch số 125 của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị này đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội thời gian qua.
Trong đó, nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của một số cấp uỷ, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ; Chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội; Thiếu quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.
Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội; Chưa thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm đối với những ý kiến, kiến nghị của mình.
Sự phối hợp giữa các cơ quan đảng, chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả; Nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế...
Từ thực tiễn đó, hệ thống giải pháp được xác định tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó quy định rõ hơn nữa về quy trình, trách nhiệm, xử lý vi phạm và kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội; Phát huy hơn nữa vai trò, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, MTTQ giữ vai trò chủ trì trong giám sát, phản biện xã hội, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương, đơn vị đang triển khai, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân…
Tổ chức chuyên đề kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết: Căn cứ Kế hoạch số 125 của Thành ủy, các cơ quan thuộc TP và các đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã cụ thể hóa theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, về quy trình, quy định: Ban Dân vận Thành ủy và các cấp ủy phối hợp với MTTQ, tham mưu văn bản phân công trách nhiệm cụ thể, theo hướng: Thường trực cấp ủy, trực tiếp là đồng chí phụ trách công tác dân vận chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đồng chí Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp phụ trách công tác dân vận của chính quyền, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt triển khai giám sát, phản biện xã hội.
Ban Dân vận cấp ủy là cơ quan chủ trì theo dõi, đôn đốc, tham mưu kiểm tra, tổng hợp báo cáo cấp ủy kết quả thực hiện. Trong đó, quy định cụ thể về quy trình phối hợp, cung cấp thông tin, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, xử lý vi phạm…
MTTQ giữ vai trò chủ trì trong giám sát, phản biện xã hội |
Về bố trí cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, trách nhiệm để triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó, có công tác giám sát, phản biện xã hội: Đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể; Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp chịu trách nhiệm về việc bố trí, phân công cán bộ Mặt trận, đoàn thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về theo dõi, kiểm tra, giám sát: Thành ủy đã chỉ đạo MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP xây dựng kế hoạch, xin ý kiến phê duyệt của Thành ủy từ đầu năm; Kết quả thực hiện nêu trong báo cáo định kỳ hàng tháng. Ngoài ra, có báo cáo chuyên đề 6 tháng theo quy định.
Tại các cuộc làm việc định kỳ của Thường trực cấp ủy với ban dân vận, chính quyền, lực lượng vũ trang, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội: Yêu cầu các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Trong đó, nêu rõ việc tiếp thu và giải trình những nội dung do MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia.
Để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đề nghị Ủy ban Kiểm tra các cấp phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy tham mưu đưa vào kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy; Đồng thời Ban Dân vận các cấp ủy chủ động tổ chức các cuộc khảo sát, kiểm tra về công tác dân vận, chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội để nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
“Tăng cường giám sát, phản biện xã hội là giải pháp quan trọng để huy động trí tuệ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện giám sát, phản biện xã hội không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà còn là hoạt động hỗ trợ cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách chất lượng, hiệu quả, hợp lòng dân. Địa phương, đơn vị nào nhận thức đầy đủ, quan tâm, làm tốt công tác này thì kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị nhất định sẽ khởi sắc”- Trưởng ban Dân vận Thành ủy chia sẻ.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo