Tất cả đều an toàn, sao nhiều người phải chết?
39 người lên tàu và 17 người mãi mãi không trở về sau chuyến du lịch, trong đó nhiều nạn nhân là người một nhà hay anh em trong một dòng họ.
Chiều 28/2, thi thể cuối cùng trong vụ lật ca nô tại biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được tìm thấy sau 3 ngày mất tích. Vụ lật ca nô đã khiến 17 người tử vong và là một trong những vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Nỗi đau quá sức chịu đựng đối với gia đình, người thân và để lại ám ảnh dai dẳng, có khi là suốt đời đối với những người sống sót.
Nỗi đau của người đàn ông thoát chết trong vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại khi mất đi người vợ thân yêu dưới ngàn con sóng dữ (Ảnh: Hải Long).
Tôi từng bị đuối nước hồi 10 tuổi, trong một lần liều mình bơi qua sông chỉ với một cái can nhựa nhỏ. Khi quẫy đạp hết sức, chỉ thấy trước mắt là một vùng xanh, đỏ thì được người lớn phát hiện, túm tóc kéo lên. Cái cảm giác cận kề cái chết, khi đã uống no nước vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, dù đã gần 30 năm trôi qua.
Bởi vậy, tôi hiểu ám ảnh của cậu bé Nguyễn Khắc Huy - một trong 22 nạn nhân sống sót trong vụ lật ca nô. Nhưng nỗi đau của Huy còn lớn hơn thế, lớn hơn sức chịu đựng của một đứa trẻ. Bố, mẹ và em gái Huy thiệt mạng trong vụ lật ca nô, khi chỉ tích tắc trước đó, Huy đang cười, đang nắm tay em gái. Có lẽ, cơn ác mộng đó sẽ theo em và những người may mắn thoát chết, suốt cả cuộc đời.
Nguyên nhân vụ tai nạn và trách nhiệm của những người liên quan đang được cơ quan chức năng làm rõ. Những thông tin đầu tiên về vụ việc cho thấy mọi điều kiện về an toàn của hành trình này đều đảm bảo, từ người điều khiển, tải trọng đến việc tuân thủ quy định an toàn đường thủy của các hành khách. Ông Lê Sen - người điều khiển chiếc ca nô được cấp bằng thuyền trưởng hạng TY3 thời hạn đến năm 2027 và có các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao I, an toàn cơ bản, an toàn ven biển, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn.
Dựa vào những dấu vết trên chiếc ca nô bị lật, bước đầu, giả thuyết về nguyên nhân được cho là chiếc ca nô này đâm vào cồn cát gần bờ trước khi bị sóng đánh chìm. Việc làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của những cá nhân liên quan dù không thể thay đổi được sự thật 17 sinh mạng đã ra đi, nhưng ít nhất, nguyên cái chết của họ được làm rõ. Và quan trọng hơn, bài học đắt giá trong điều khiển, vận hành loại hình phương tiện này nói riêng và giao thông đường thủy nói chung phải được rút ra, để tránh các trường hợp thương tâm tương tự.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ và Cục Cảnh sát giao thông đã ngay lập tức có những chỉ đạo về công tác cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là rà soát những bất cập trong hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa.
Riêng đối với các tuyến vận tải đường thủy từ bờ ra đảo, ngành chức năng yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan, đặc biệt là ở những nơi có nhiều lực lượng cùng có chức năng xử lý vi phạm, nhưng không xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hành khách.
Thông qua công tác rà soát, làm rõ những tồn tại, bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa, nhất là việc thiết kế phương tiện gây khó khăn cho việc thoát nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn; phân tích, đánh giá nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy và đề xuất giải pháp khắc phục.
Cần xem xét, đánh giá lại việc sử dụng ca nô mui kín trong hoạt động vận tải khách, nhất là ở các vùng biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên khảo sát tuyến vận tải, sớm phát hiện các chướng ngại vật gây cản trở, thay đổi dòng chảy hay có nguy cơ gây mất an toàn đối với phương tiện vận tải trong khu vực. Đặc biệt, đối với các khu vực có đông tàu, thuyền qua lại, nhất là các khu du lịch, cần thiết phải có đội cứu hộ, phản ứng nhanh để kịp thời phát hiện, ứng cứu khi có tình huống bất thường, nguy hiểm xảy ra.
An toàn vận tải hành khách, an toàn tính mạng hành khách phải được đưa lên hàng đầu, và quan trọng nhất luôn phải có phương án cứu nạn khi xảy ra sự cố. Không thể để nhìn mọi thứ tưởng như an toàn nhưng cuối cùng hậu quả thảm khốc lại xảy ra.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/tat-ca-deu-an-toan-sao-nhieu-nguoi-phai-chet-20220228225356064.htm
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay