Test cho bằng ra… COVID
Khoảng 1 tuần nay, ngày nào lên mạng xã hội cũng thấy bạn bè “khoe” kết quả xét nghiệm COVID-19. Người dương tính thì thở phào vì cuối cùng cũng nhiễm cho xong trong bối cảnh xung quanh F0 bủa vây. Người âm tính lại lo lắng không biết bao giờ thì “dính”.
Lại có bạn tôi, mới nghe tin người mình gặp buổi chiều dương tính, tối vội vàng test xem mình có 2 vạch không. Kết quả là âm tính, hôm sau cô ấy lại test tiếp. Thấy vẫn chưa dương tính, chị gọi điện cho tôi, băn khoăn rằng có thể test nhanh không chính xác, phải đi xét nghiệm PCR. Tôi khuyên trước mắt cứ tự cách li ở nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đợi thêm thời gian hoặc thấy có triệu chứng thì test nhanh lại, không nhất thiết phải PCR cho tốn kém. Khuyên là thế, tưởng rằng bạn yên tâm cách li. Thế mà hôm sau khoe đã xét nghiệm PCR và kết quả vẫn âm tính, rồi bảo có lẽ tiếp xúc với F0 chưa đủ mức lây nhiễm. Vài ngày sau chị lại gọi điện cho tôi, nói rằng thấy sốt nên test nhanh đã dương tính.
Không ít người như bạn tôi, chỉ mới tiếp xúc với F0 đã vội vội vàng vàng làm đủ cả test nhanh và PCR. Có người còn xét nghiệm cho tất cả các thành viên trong gia đình, hết test nhanh lại PCR, tính ra hết cả chục triệu đồng, trong khi nếu bình tĩnh, xét nghiệm đúng thời điểm thì số tiền bỏ ra ít hơn rất nhiều lại không mua lo lắng vào thân.
Theo ý kiến của các chuyên gia đã được Tiền Phong phản ánh, mỗi người cần định hình một tâm thế mới, ngay cả khi tiếp xúc gần F0, không cần xét nghiệm ngay, mà chỉ cần test khi có triệu chứng. Hoặc ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0 test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2. Lí do là virus cần có thời gian để nhân lên, chứ virus chẳng có sẵn để chờ test rồi hiện lên.
Có cảm giác cái cảnh nhà nhà test, người người test như thời gian vừa rồi, phần nào xuất phát từ tâm lí đã tiêm đủ liều vắc xin, xuất phát từ thực tế phần lớn các ca dương tính chỉ ho và sốt một vài ngày là khỏi, nên không ít người nghĩ rằng “xong sớm, nghỉ sớm”, đằng nào cũng đã tiếp xúc với F0 rồi, đằng nào trong nhà cũng có F0 rồi, nên dương tính một lần cho xong. Thành ra ngày nào cũng xét nghiệm theo kiểu phải dương tính bằng được mới thôi. Đó là chưa kể những người đã dương tính, Bộ Y tế quy định 7-10 ngày sau mới test tiếp nhưng lại háo hức test đều mỗi ngày để mong về lại “người âm”….
Mỗi lần xét nghiệm là cả một sự lãng phí, là cơ hội cho nhiều nhà thuốc đầu cơ, găm hàng, tạo tình trạng khan hiếm nguồn cung để tăng giá bán bộ xét nghiệm một cách vô tội vạ. Chưa kể, xét nghiệm không đúng thời điểm, xét nghiệm không đúng cách sẽ không cho ra kết quả chính xác nên càng xét nghiệm chỉ càng thêm tốn kém.
“Nếu quá lạm dụng việc xét nghiệm sẽ dẫn tới tình trạng khan hiếm kit-test và có thể không bảo đảm cho cuộc chiến chống dịch lâu dài này được” - lời cảnh tỉnh của chuyên gia dịch tễ, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thiết nghĩ đến giờ chưa muộn khi chúng ta chuẩn bị đón nhận đỉnh dịch tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong vài tuần tới với số mắc mỗi ngày có thể lên đến hàng trăm ngàn F0.
Theo Tienphong.vn
https://tienphong.vn/test-cho-bang-ra-covid-post1420072.tpo
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam