Thách thức chưa từng có cho công tác quản lý báo chí, thông tin
Làn sóng thông tin trên không gian mạng đang cuốn trôi ranh giới giữa thế giới thực và ảo, đặt ra những thách thức chưa từng có cho công tác quản lý báo chí, thông tin.
LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".
Phải có các nền tảng công nghệ để giám sát
Theo số liệu từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), tổng số tài khoản mạng xã hội của người Việt Nam đã vượt ngưỡng 313 triệu tài khoản. Trong đó, số người dùng Zalo hàng tháng (tính đến 30/6/2024) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và Tiktok là 67 triệu người dùng.
Sự bùng nổ lượng người dùng mạng xã hội không chỉ phản ánh xu hướng tiêu thụ thông tin mới của công chúng, mà còn báo hiệu một thời đại mới trong quản lý báo chí, truyền thông - thời đại của công nghệ số.
Trích lời nhà nghiên cứu truyền thông nổi tiếng người Canada, Marshall McLuhan, Tiến sĩ Trần Duy, giảng viên ngành Báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: "Chúng ta đang sống trong giai đoạn bị/được công nghệ định hình lại từ tư duy đến cách vận hành, quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí truyền thông". Nhận định này không chỉ phản ánh thực tế mà còn là lời cảnh tỉnh về sự cấp thiết trong việc đổi mới phương thức quản lý báo chí.
Những sạp báo truyền thống đã vắng bóng trên các đường phố. Ảnh: Hoàng Hà
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự lan tràn của tin giả và thông tin xấu độc trên không gian mạng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Bộ TT&TT đã phải xử lý 1.130 phản ánh liên quan đến loại tin tức này. Con số này không chỉ đáng báo động mà còn cho thấy sự cấp bách trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý báo chí, thông tin.
Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê: "Cơ quan quản lý báo chí phải có các nền tảng công nghệ để giám sát tính chính xác của thông tin. Ví dụ như hệ thống “fast check” (kiểm chứng thông tin nhanh), hệ thống bảo vệ thông tin gốc, thông tin bản quyền". Ông nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc không chỉ phát hiện và ngăn chặn thông tin giả, mà còn giúp công chúng phân biệt được đâu là nguồn tin đáng tin cậy.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, chia sẻ: "Nếu báo chí tận dụng công nghệ để tiếp cận độc giả thì cơ quan quản lý cũng có thể tận dụng công nghệ để quản lý báo chí". Ông đề xuất việc sử dụng các công cụ công nghệ để đánh giá mức độ lan tỏa của các cơ quan báo chí, từ đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm, kịp thời chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Duy, giảng viên ngành Báo chí tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đưa ra cảnh báo, công nghệ là con dao hai lưỡi. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển nội dung, công nghệ cũng có thể bị lạm dụng để tạo và lan truyền tin giả.
Ông nhấn mạnh: "Cách phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực trên không gian mạng tốt nhất vẫn là việc nâng cao năng lực số, năng lực thông tin, phát triển văn hóa số cho cả nhà báo lẫn công chúng".
Các cơ quan báo chí, truyền hình phải chuyển mình lên môi trường số để đáp ứng nhu cầu của người xem. Ảnh: Minh Sơn
Trên thực tế, thông qua việc phối hợp với các nền tảng mạng xã hội lớn, trong năm 2024, Bộ TT&TT đã chặn và gỡ bỏ hàng nghìn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, với tỷ lệ xử lý đạt trên 90%. Cụ thể, Facebook đã xử lý 8.981 nội dung, Google xử lý 6.043 nội dung trên YouTube, và TikTok xử lý 971 nội dung vi phạm.
Để đối phó với những thách thức này, Cục PTTH&TTĐT đã vạch ra nhiều kế hoạch cho năm 2025. Kế hoạch này bao gồm việc triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng.
Cục PTTH&TTĐT cũng sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như rà quét, giám sát, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ AI để xử lý vi phạm pháp luật và quản lý thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải là giải pháp toàn diện. Sự sáng tạo và khả năng thấu hiểu công chúng của nhà báo vẫn là yếu tố quyết định trong việc tạo ra nội dung tuyên truyền có giá trị và thu hút độc giả.
Trong thời đại số, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Các cơ quan quản lý cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Đồng thời, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhân lực và phát triển văn hóa số trong cộng đồng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý.
Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của công nghệ và trí tuệ của con người, công tác quản lý báo chí mới có thể bắt kịp nhịp độ phát triển chóng mặt của kỷ nguyên số, đáp ứng được đòi hỏi của công tác tuyên truyền chính trị và nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, phức tạp của công chúng hiện đại.
Sự gắn kết và song hành
Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam Vũ Kiêm Văn, Về quản lý báo chí, dưới tác động mạnh mẽ của công nghệ số, các cơ quan chức năng đang phải đối mặt với nạn tin giả và thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng. Khung pháp lý cần được điều chỉnh để phù hợp với môi trường số, đặc biệt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ các tòa soạn trong ứng dụng công nghệ trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Cơ quan quản lý còn cần giám sát chặt chẽ các nền tảng số và đảm bảo trách nhiệm của họ trong việc phân phối nội dung.
Có thể nói, quản lý báo chí ngày nay không thể tách rời khỏi công nghệ số. Bởi lẽ, công nghệ số không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn đáp ứng các yêu cầu mới của thời đại, nơi thông tin lan truyền nhanh chóng và phức tạp hơn bao giờ hết. Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ cần được thực hiện một cách minh bạch, hợp lý và song hành với việc xây dựng khung pháp lý phù hợp để bảo vệ các giá trị cốt lõi của báo chí: trung thực, công bằng và tin cậy.
"Từ góc nhìn của Hội Truyền thông số Việt Nam, tôi cho rằng, để phát triển hệ sinh thái báo chí số mạnh mẽ, Việt Nam cần tập trung vào việc đầu tư công nghệ và hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ AI, big data để tối ưu hóa sản xuất và phân phối nội dung. Chúng ta cũng cần đào tạo kỹ năng công nghệ và sáng tạo nội dung cho đội ngũ nhà báo, biên tập viên để bắt kịp xu hướng mới" - ông Văn nói.
Ngoài ra, theo ông Văn, các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng linh hoạt, cung cấp ưu đãi tài chính và khuyến khích sáng tạo, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn tin giả bằng công nghệ. Việc hợp tác giữa các tòa soạn báo, cũng như hợp tác quốc tế để chia sẻ nguồn lực và kiến thức là rất cần thiết.
Sự gắn kết và song hành giữa báo chí và công nghệ chắc chắn là lời giải quan trọng cho bài toán phát triển báo chí trong kỷ nguyên số. Công nghệ cung cấp các công cụ cần thiết để báo chí hiện đại hóa quy trình sản xuất, quản lý và phân phối nội dung, giúp tăng cường tính tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm độc giả.
Tuy nhiên, cần cần lưu ý rằng sự gắn kết này cần được thực hiện một cách cân bằng. Công nghệ phải được sử dụng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí, chứ không phải để thay thế hay làm giảm giá trị của nội dung. Các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng chính sách và khung pháp lý hợp lý để quản lý thông tin một cách minh bạch và bảo vệ quyền lợi của độc giả.
- Những cổ phiếu công nghệ ‘thăng hoa’ nhờ AI
- Cách xác thực tài khoản Facebook, Tiktok để không bị khóa sau ngày 25/12
- Siêu phẩm iPhone không viền đẹp long lanh của Apple có sớm thành hiện thực?
- Người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại từ hôm nay
- iPhone 17 Pro có thể trở thành siêu phẩm của năm 2025?
- YouTube bắt đầu xử lý video ‘giật tít câu view’
- Từ 25/12: Chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội
- VNPT chính thức cung cấp dịch vụ 5G
- YouTube bắt đầu xử lý video ‘giật tít câu view’