Thách thức nhìn từ sáng kiến lập pháp Luật Bản dạng giới của ĐBQH Nguyễn Anh Trí
Đang có ý kiến khác nhau về đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới của Bộ Y tế, và đây cũng là vấn đề mà đề xuất của ĐBQH Nguyễn Anh Trí về Luật Bản dạng giới phải vượt qua.
“Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình thì cơ quan, tổ chức, Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh còn có trách nhiệm lấy ý kiến của Chính phủ và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chính phủ”.
Đây là quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và điều này đang đặt ra không ít thách thức cho đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, tương tự như đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính mà Bộ Y tế đang theo đuổi.
Hồ sơ sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí đang được Văn phòng Quốc hội đăng tải công khai cho thấy phạm vi điều chỉnh tương tự như dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính của Bộ Y tế.
Theo đó, cả hai dự luật đều đặt lên rất cao quyền chuyển đổi giới tính hay công nhận bản dạng giới của công dân. Trong đó, bản dạng giới tương tự như nhận diện giới, là việc tự cảm nhận của một người về giới tính thật của họ.
Với quan điểm như vậy, cả hai dự luật đều tiếp cận vấn đề chuyển đổi giới tính theo nguyên tắc cơ bản là bảo đảm cho công dân được sống thật với giới tính mà họ mong muốn, họ tự cảm. Hẳn nhiên, đây là mong muốn của cộng đồng LGBT - tên viết tắt của những người đồng tính, song tính, chuyển giới và các cá nhân đồng tính khác...
Tuy nhiên, hướng tiếp cận này của Bộ Y tế đến giờ vẫn đang tìm sự ủng hộ từ Bộ Tư pháp – cơ quan "gác cổng" của Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật.
Tin từ cả hai cơ quan này cho biết, phía Bộ Tư pháp cho rằng phạm vi điều chỉnh mà Bộ Y tế đề xuất là quá rộng.
Theo quan điểm này, Luật Chuyển đổi giới tính chỉ nên điều chỉnh trường hợp chuyển đổi giới tính gắn với can thiệp y khoa, và không nên mở rộng đến công nhận bản dạng giới theo nghĩa bất cứ người nào, dù rõ ràng về mặt sinh học là nam hoặc nữ, nhưng mong muốn chủ quan của họ lại là ngược lại hoặc là giới tính thứ ba nào đó, thì Nhà nước có nghĩa vụ công nhận theo mong muốn ấy.
Lý do là chuyển động chính sách đến thời điểm này mới dừng lại ở Bộ luật Dân sự 2015 với quy định thừa nhận quyền xác định lại giới tính của một người chỉ “trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính”.
Nay nếu vội tuyệt đối hóa quyền tự do lựa chọn giới tính theo lập luận bản dạng giới thì có thể dẫn tới những xáo trộn, thậm chí đảo lộn các giá trị truyền thống của xã hội Việt Nam vốn còn đậm nét Á đông...
Ngoài quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh nêu trên, đi vào chi tiết, đề xuất xây dựng luật của Bộ Y tế tập trung chủ chủ yếu vào các quy định mang tính chuyên ngành, như quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính thế nào, hội đồng chuyên môn ra sao, luật hóa các thuật ngữ y tế...
Còn các nội dung về quyền nhân thân, các quyền dân sự, chính trị của người chuyển đổi giới thì dự thảo chỉ đưa ra một số nguyên tắc, như không phân biệt đối xử, bình đẳng về quyền với người chuyển đổi giới tính... Sau này, khi triển khai trên thực tế, nếu xuất hiện vướng mắc pháp lý về quyền thì sẽ sửa luật chuyên ngành liên quan.
Trong khi đó, quan điểm từ phía Bộ Tư pháp là Luật Chuyển đổi giới nên quy định một cách toàn diện, đồng bộ cả chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế và các quyền gắn với người chuyển giới. Như thế, dự luật nên xây dựng theo hướng dùng một luật sửa nhiều luật, một cách triệt để khía cạnh pháp lý về quyền của người chuyển giới.
Tin từ Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang tiếp tục trao đổi với Bộ Tư pháp để đi đến giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, Chính phủ đang ưu tiên sửa đổi các luật điều chỉnh lĩnh vực bảo hiểm, dược, trang thiết bị y tế… vốn liên quan mật thiết đến sức khỏe của đa số người dân.
Mặc dù còn có nhiều những thách thức, song cần phải khẳng định rằng ý tưởng về một dự luật về chuyển đổi giới tính hay về bản dạng giới đang có những thuận lợi nhất định.
Đó là tháng 10-2021, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 19-KL/TW, thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV do Đảng đoàn Quốc hội trình. Trên cơ sở đó, tháng 11-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15.
Theo kế hoạch này, trong cả trăm nhiệm vụ lập pháp được phân công, Chính phủ và Ủy ban Xã hội của Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng dự án luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính, và nếu đủ chín thì đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022-2024.
Nguồn: https://plo.vn/
- Bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục bị đề nghị tử hình
- Bị cáo Trương Mỹ Lan đem khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi đi khắc phục hậu quả
- Đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ bằng thủ đoạn hắt mắm tôm, đe dọa khổ chủ
- Bà Trương Mỹ Lan: '2.000 người làm đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo'
- Xô xát tại phòng trọ, một thanh niên tử vong ở Gia Lai
- Công an TPHCM bắt 1 đối tượng tham gia tổ chức phản động lưu vong
- Khởi tố kẻ đứng sau web phim lậu cực lớn tại Việt Nam
- Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo 6 tỷ đồng đầu tư tiền ảo, công an tìm thêm bị hại
- Hai chú cháu bị khởi tố trong vụ buôn lậu hơn 6kg vàng từ Campuchia về Việt Nam