Thách thức sau kỷ lục
Năm 2022, xuất khẩu nông sản xác lập kỷ lục mới với 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay và vượt xa mốc kỷ lục từng xác lập năm 2021.
Trong đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên trên 3 tỷ USD gồm: sản phẩm gỗ và lâm sản đạt gần 17 tỷ USD, tôm: 4,33 tỷ USD, cà phê: 3,94 tỷ USD, gạo: 3,49 tỷ USD, rau quả: 3,34 tỷ USD, cao su: 3,31 tỷ USD, hạt điều: 3,07 tỷ USD. Gam màu sáng nhất trong khối ngành nông sản là thủy sản với kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục 11 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2021, xuất khẩu cá tra mặc dù chưa chạm mức 3 tỷ USD, nhưng cũng đã xác lập kỷ lục mới với 2,5 tỷ USD.
Nông sản Việt vươn ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp tục phát huy lợi thế ở các thị trường truyền thống, vừa tạo vị thế mới. Nhiều nông sản đã đi bằng đường chính ngạch, tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vào các kênh tiêu thụ chính thức và tạo niềm tin người tiêu dùng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.
Nhìn tổng thể, nông nghiệp đang có bước chuyển quan trọng từ sản xuất là chủ yếu sang kinh tế nông nghiệp, từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sản lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị. Nhưng phía sau ánh hào quang của những kỷ lục mới được xác lập là những thách thức mới phải vượt qua. Thị trường thế giới đang có nhiều biến động khó lường, các bất ổn ở nhiều quốc gia, phục hồi kinh tế chậm, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến sức cầu tiêu dùng. Còn nhiều việc phải làm để tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững làm trụ đỡ cho xuất khẩu nông sản.
Thách thức hiển hiện ngay đầu năm khi có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chịu sức ép lớn của các đối thủ cạnh tranh, mất nhiều đơn hàng, lao động mất việc làm. Việc một số mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó như thanh long vướng bản quyền giống cây trồng, cam sành dội chợ, giá giảm sâu, khó tiêu thụ ngay thị trường nội địa cũng là những chỉ dấu thách thức cho nông sản Việt.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu; EU, Nhật Bản cũng là những thị trường xuất khẩu hấp dẫn của nông sản Việt. Thị hiếu tiêu dùng ở các quốc gia này đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn ở dạng thô hoặc sơ chế, nên số mặt hàng vào được các thị trường này còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, các cơ quan lý ở Hoa Kỳ thường sử dụng các công cụ bảo hộ như điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt như cá tra, tôm, gỗ dán và tủ gỗ, mật ong, giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP).
Trung Quốc là thị trường truyền thống rộng lớn, đang mở rộng cửa trong năm mới với nhiều chính sách cởi mở hơn về kiểm soát dịch Covid-19, nhưng đồng thời họ cũng siết chặt các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản. Trong khi đó, còn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lúng túng khi Trung Quốc thay đổi chính sách, quy định mới trong nhập khẩu.
Các nước ASEAN là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Đây là các thị trường có tiềm năng lớn trong năm 2023 khi các nước khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Cùng với lợi thế về các hiệp định thương mại tự do, vị trí địa lý, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng, nhu cầu lớn về các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, thủy sản, gỗ, thì nông sản Việt cũng chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan và các mặt hàng nông sản chế biến chất lượng cao của các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand.
Để vượt qua thách thức xuất khẩu nông sản năm 2023 và phát triển ngành hàng bền vững, cần kết nối chặt chẽ giữa các mắt xích trong các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực vùng như thủy sản, trái cây, lúa gạo từ đầu vào đến đầu ra; từ sản xuất nông nghiệp đến các ngành công nghiệp chế biến, đổi mới, sáng tạo, ngành thương mại, dịch vụ hậu cần logistics.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, GPS, ứng dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng internet tích hợp, smartphone, thương mại điện tử đã cung cấp các nền tảng công nghệ tốt hơn cho nhiều ứng dụng số. Theo đó, cần sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản và bán hàng qua các kênh tiêu dùng hiện đại.
Năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi ngành nông nghiệp không ngừng nỗ lực vượt qua mới mong đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là năm nay phấn đấu xuất khẩu đạt khoảng 55 tỷ USD.
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo