Thách thức và cơ hội vượt lên cho doanh nghiệp Việt trên “sân chơi xanh”

Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024 | 9:41

Phát triển xanh là mục tiêu và động lực để tạo nên một nền kinh tế hiện đại, bền vững, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu, bảo vệ môi trường và nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình “phát triển xanh” cũng có rất nhiều yêu cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng.

Chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn tạo cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng cao cấp trên toàn cầu.

Thách thức và cơ hội vượt lên cho doanh nghiệp Việt trên “sân chơi xanh” ảnh 1

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.

Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Cơ hội là như vậy nhưng quá trình thực hiện cũng có rất nhiều yêu cầu kèm theo mà các doanh nghiệp Việt Nam cần thích nghi và đáp ứng để tránh bị “loại” khỏi thị trường.

Hàng nghìn doanh nghiệp "bỡ ngỡ" trước báo cáo kiểm kê khí thải nhà kính

Theo danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có hơn 2.166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải vào năm 2025, tuy nhiên cũng có gần… 2.000 đơn vị không biết rằng mình phải làm điều này hoặc chưa biết phải làm thế nào.

Thách thức và cơ hội vượt lên cho doanh nghiệp Việt trên “sân chơi xanh” ảnh 2

PGS,TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đây là chia sẻ của PGS,TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Thọ cũng cho biết, quy mô nền kinh tế xanh (nền kinh tế ít carbon, giảm nguy hại môi trường...) của nước ta mới chỉ ở mức 2% còn kinh tế nâu (nền kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, bỏ qua các vấn đề xã hội, môi trường) vẫn chiếm đến 98%.

Báo cáo kiểm kê khí nhà kính ghi lại lượng khí thải nhà kính mà tổ chức, doanh nghiệp hoặc quốc gia phát ra trong khoảng thời gian nhất định. Báo cáo này bao gồm các loại khí chính như CO2, CH4, N2O và các khí khác.

Thời gian qua, mức độ cải thiện kinh tế xanh của Việt Nam ở mức rất thấp và hiện nước ta cũng nằm trong danh sách 20 nước phát thải lớn nhất thế giới và chiếm 1% phát thải toàn cầu.

Một nguy cơ rất lớn đó là các nước phát triển và đối tác thương mại sẵn sàng “hy sinh” thị trường Việt Nam nếu chúng ta không thực hiện được những yêu cầu về phát triển bền vững, ông Thọ cho biết. Điều này sẽ khiến Việt Nam bị loại bỏ khỏi thị trường và việc đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ xảy ra ngay lập tức.

Chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn - góc nhìn thực tiễn

Tin liên quan

Chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn - góc nhìn thực tiễn

Là một doanh nghiệp đã có nhiều năm làm việc với các thị trường “khó tính” trên thế giới như EU, Mỹ, Anh trong ngành nội, ngoại thất và đều đặn mang về hàng chục triệu USD mỗi năm, Công ty cổ phần Lâm Việt cũng đã liên tục phải thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía đối tác.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt thông tin: “Các quốc gia đối tác đều hướng đến xuất khẩu xanh và phát triển bền vững, và đi sâu hơn với riêng các doanh nghiệp về nội thất sẽ là các quy định về quản lý rừng bền vững. Trong thời gian của năm 2025, các nước châu Âu sẽ tiếp tục áp dụng loạt đạo luật mới về chống phá rừng”.

Việt Nam đứng thứ 79 trên 160 quốc gia về chỉ số kinh tế xanh

Global Green Economy Index năm 2024.

Liên tục có những yêu cầu chặt chẽ từ các đối tác trên thế giới nên các danh mục liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi tuần hoàn và chuyển đổi carbon thấp trước đây là tự nguyện thì giờ đều đã chuyển hướng sang thành những yêu cầu bắt buộc.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho biết: Liên minh châu Âu hiện đang trong lộ trình thực thi thỏa thuận xanh và trong những năm qua đã liên tục ban hành ra những quy định mới để lồng ghép sự tuân thủ của các doanh nghiệp, rộng hơn là trong toàn bộ các mắt xích của chuỗi cung ứng.

Đối với doanh nghiệp cần phải thẩm định toàn bộ chuỗi cung ứng của mình và đánh giá những tác động liên quan đến môi trường hay quyền con người của từng mắt xích đó.

Đồng thời phải có những giải pháp để giảm thiểu cũng như tiến tới loại bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực mà từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn bộ cái chuỗi cung ứng mang lại.

Thách thức và cơ hội vượt lên cho doanh nghiệp Việt trên “sân chơi xanh” ảnh 4

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu thông tin tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh.

Theo ông Minh, hiệu ứng của vấn đề này sẽ tác động đến rất nhiều nhà cung ứng. Ví dụ như trong xuất khẩu của Việt Nam, ngành dệt may hay da giày là ngành chủ lực, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều bộ quy tắc mà trên thế giới đã áp dụng. Mặc dù vậy, những bộ quy tắc, đạo luật này còn khá xa lạ với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.

Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.

Trong thách thức là cơ hội cho doanh nghiệp Việt bứt phá

Mặc dù những khó khăn là vậy, nhưng đây cũng là cơ hội cho Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thách thức và cơ hội vượt lên cho doanh nghiệp Việt trên “sân chơi xanh” ảnh 5

Doanh nghiệp nào có thể thích ứng kịp thời và phù hợp sẽ có cơ hội bứt phá thay vì bị loại bỏ do thiếu những yếu tố cần thiết.

Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt cũng lấy ví dụ, vì đối tác chính nằm ở những thị trường “khó tính” nên công ty Lâm Việt đã có chứng chỉ FSC (Chứng chỉ rừng quốc gia được Hội đồng chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận) và là một trong 5 công ty đầu tiên trong ngành nội thất có chứng chỉ này.

Nhiều doanh nghiệp Việt tăng trưởng vượt bậc trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Tin liên quan

Nhiều doanh nghiệp Việt tăng trưởng vượt bậc trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Cũng là đơn vị có sự nhanh nhạy với các tiêu chuẩn phát triển bền vững, công ty Lâm Việt đã áp dụng hệ thống ERP trên từng công đoạn sản xuất, công khai nguồn gốc sản phẩm và cho phép truy xuất chính xác thông tin sản phẩm, nguồn gốc gỗ hợp pháp của công ty trên từng bước sản xuất, tiêu thụ.

Thậm chí tới đây khi những yêu cầu mới được áp dụng, đơn vị cũng rất yên tâm để triển khai các hợp đồng với khách hàng bởi từng cây gỗ từ khu rừng nào, từ nhà máy hay kiện gỗ thuộc nền sản xuất nào đều được công khai, minh bạch.

Ông Lam cũng cho biết, nếu coi những yêu cầu này là khó khăn thì cũng đúng nhưng nếu tiếp nhận với tâm thế chủ động, sẵn sàng thì doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều cơ hội. “Tiêu chuẩn quy định mới rất nhiều nhưng nếu các công ty  tư duy đúng về “kinh doanh đúng”, hướng đến chuyển đổi số, minh bạch về nguồn gốc, đáp ứng đạt chuẩn về khí thải carbon…thì đây lại là lợi thế kinh doanh để cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp khác.

 
Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt chia sẻ về sự chủ động của doanh nghiệp "đón đầu" yêu cầu từ quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết: “Ngay sau khi thỏa thuận xanh của EU ra đờiBộ Công thương đã đánh giá tình hình và chủ động chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanhĐiều này giúp các cảnh báo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhận thức được những tiêu chuẩn mới về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và cả trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình xã hội cùngnhiều quy định khác ngày càng gia tăng”.

Đây là một trong những hoạt động chiến lược, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm phát thải carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là trong giai đoạn các đối tác toàn cầu đang ngày càng khắt khe trong câu chuyện bảo vệ môi trường bền vững.

 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương chia sẻ về hoạt động chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị liên quan trong nhận thức những tiêu chuẩn mới về chuyển đổi xanh.

Ông Phú cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, giúp cho là các doanh nghiệp ý thức được việc chuyển đổi để đáp ứng được những tiêu chuẩn mới để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu từ đối tác.

Bên cạnh đó Bộ Công thương sẽ xác định và đã xác định 3 nhóm việc cần làm. Thứ nhất là tiếp tục là tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội...Thứ hai, phối hợp các bộ ngành liên quan để cung cấp những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về tuân thủ những quy định mới, thiết kế các chương trình kiểm toán khí thải.

Bộ Công thương cũng sẽ sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan trên cơ sở kế hoạch hành động Chương trình tăng trưởng xanh của Chính phủ, rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách và cơ chế, công cụ pháp lý liên quan đến việc tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững và kiểm soát về tiêu thụ năng lượng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại và đặc biệt là liên quan đến hoạt động xuất khẩu.