Thận trọng với ‘ảo giác tiền tệ’
Mới đây, Tạp chí The Economist đã lên tiếng khuyến cáo các thị trường đang phục hồi cần thận trọng để tránh rơi vào "ảo giác tiền tệ", nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất. Ngày 21/3 tới, dự kiến FED sẽ nhóm họp tính tới việc tăng lãi suất tiếp theo để kéo giảm lạm phát.
“Ảo giác tiền tệ” được coi là sự xoa dịu thần kinh trong khi giá trị thực của đồng tiền giảm. Nguồn: Getty.
Ảo giác tiền tệ là một giả thuyết kinh tế khi cho rằng người ta chỉ nhận thức được giá trị danh nghĩa của tiền mà không biết rằng nó đã giảm giá trị. Nói cách khác, mọi người không tính đến mức độ lạm phát trong nền kinh tế và tin tưởng một cách sai lầm rằng một đồng trong năm nay có giá trị bằng với một đồng trong năm trước. Đây cũng là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi giữa các nhà kinh tế học.
Theo The Economist, trong năm 2023, những ai cảm thấy vui mừng khi thấy tiền lương của mình tăng so với năm 2022 thì cần “tỉnh lại”. Vì rằng, họ chưa tính toán xem liệu sau lạm phát số tiền lương tăng này có thực sự mua được bằng với năm 2022 hay không. Có nghĩa là họ đã trở thành nạn nhân của "ảo giác tiền tệ".
Ngay cả các nhà đầu tư tài chính được cho là sáng suốt nhưng cũng cũng vẫn bị cám dỗ bởi cái bẫy ảo tưởng này. Việc FED giảm nhịp độ tăng lãi suất chính là một ví dụ điển hình. Bề ngoài, đây có vẻ như một động thái giảm nhẹ chính sách "tiền tệ diều hâu", nhưng trên thực tế lập trường của FED là rất cứng rắn và chặt chẽ. Trong khi chớ quên rằng đồng đô la Mỹ có khả năng chi phối thị trường tiền tệ toàn cầu.
Từ đó, giới chuyên gia tài chính lưu ý, điều quan trọng cuối cùng với các công ty và các hộ gia đình cần vay tiền là "lãi suất thực" chứ không phải "lãi suất danh nghĩa". “Thực tế không hề màu hồng như chúng ta nghĩ. Nhất là với tiền. Bạn có thể cầm trong tay 100 USD nhưng ít khi biết rằng giá trị thực của nó chỉ còn 85 USD do lạm phát tăng cao. Ảo giác tiền tệ đã khiến bạn quên đi thực tế buồn” - Michell Raffod, chuyên gia tài chính Phố Wall nói.
Thông thường, người ta chỉ cần lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát là có thể có được "lãi suất thực". Chẳng hạn, lạm phát giá tiêu dùng hằng năm vào tháng 12 là 6,5% và lãi suất của các quỹ liên bang trong tháng đó là 4,5%, thì "lãi suất thực" sẽ là -2%.
Tuy nhiên, điều này lại phản ánh một sai lầm cơ bản. Vì ngay cả sau khi ngân hàng ngừng tăng "lãi suất danh nghĩa" thì "lãi suất thực tế" vẫn có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa. Điều đó mới chính là lãi suất thực tế, đi cùng với mất giá của đồng tiền lớn hơn dự tính. Một số nhà kinh tế tin rằng lãi suất tự nhiên, hay gọi là lãi suất không gây lạm phát, có thể đã tăng từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu; do đó cần phải cảnh giác và nhìn nhận tình hình thực tế, tránh rơi vào "ảo giác tiền tệ".
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển đang diễn ra tại thủ đô Doha (Qatar), Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Achim Steiner, nhấn mạnh, thực trạng nợ nần tại các nước đang phát triển hiện ở mức rất nghiêm trọng, khi tất cả 52 nước "đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, hoặc rất gần với nguy cơ vỡ nợ". Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là “ảo giác tiền tệ”.
Theo ông Steiner, những cú sốc mang tính hệ thống đã tác động mạnh đến nhiều quốc gia cùng một lúc, bao gồm đại dịch, bất ổn địa chính trị và tình trạng khí hậu khắc nghiệt, mức nợ của chính phủ (tính theo tỷ trọng GDP) đã tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển từ năm 2019 đến năm 2022. Mức tăng này ước tính vào khoảng 2.000 tỷ USD. Với lãi suất tăng mạnh, khủng hoảng nợ đang gây áp lực lớn lên tài chính công, ước tính nếu mức tăng trung bình của các khoản nợ chính phủ được xếp hạng kể từ năm 2019 được phản ánh đầy đủ trong các khoản thanh toán lãi, thì các chính phủ sẽ phải trả thêm 1,1 nghìn tỷ USD cho tổng nợ toàn cầu vào năm 2023.
Riêng với 52 nước nghèo nhất, theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện đang nợ các chủ nợ song phương tăng tới 35%, nếu như họ có khả năng trả nợ trong năm 2023.
“Tuy nhiên, đó là điều không thể. "Ảo giác tiền tệ" được thúc đẩy bởi lạm phát khiến người ta ít lo hơn về các món nợ. Nhưng thực tế rất phũ phàng khi càng nợ lâu thì lãi suất cộng dồn càng tăng mạnh. Ngay cả khi vay được lãi suất thấp ở ngân hàng nhưng quá hạn vẫn không trả được, nếu kéo dài nó sẽ không khác gì nhiều so với vay tại các tổ chức tài chính “đen”. "Ảo giác tiền tệ ru ngủ" khiến người ta không nhận thấy hết rủi ro” - ông Steiner lưu ý.
Giới chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (tính từ đầu năm 2020 đến nay), cùng với ám ảnh dịch bệnh thì người ta cũng lại bị chìm trong “ảo giác tiền tệ”, mà điều đó khiến cho “mất năng lượng chiến đấu” với thực tế.
“Một trong những nguyên nhân lạm phát kéo dài, nhiều khả năng dẫn tới suy thoái đến từ ảo giác tiền tệ” - chuyên gia IMF bình luận.
Thẩm phán Emmanuel Agim (Tòa án Tối cao Nigeria) đã chính thức yêu cầu Ngân hàng Trung ương nước này gia hạn việc sử dụng các loại tiền giấy cũ đến ngày 31/12/2023. Nguyên nhân là do việc ngừng lưu hành tiền giấy cũ đã dẫn đến thiếu tiền mặt. Phán quyết trên là kết quả của vụ kiện do 16 bang ở Nigeria đệ trình. Đơn kiện cho rằng hầu hết người dân đang gặp khó khăn trong chi tiêu do thiếu tiền mặt. “Chúng tôi muốn nắm trong tay tiền thật (ý nói là tiền giấy cũ) chứ không muốn sống với ảo giác của tiền” - một người dân tham gia biểu tình ở Benin nói.
Trước đó, ngày 10/2, các loại tiền giấy cũ ở Nigeria đã bị rút khỏi lưu thông để thay thế bằng tiền mới, trong khi hầu hết người dân sử dụng tiền mặt để chi tiêu.
Nguồn: http://daidoanket.vn/
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Khẳng định vai trò Đảng cầm quyền
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo