Tháng Giêng không ăn chơi
Thông tin ghi nhận được tại các doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, ngày đầu năm mới, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán cho thấy, hầu hết người lao động đều trở lại làm việc nghiêm túc, đúng quy định từ ngày 7/2.
Tại một số khu công nghiệp, thông tin mà phóng viên chúng tôi nghi nhận được là không khí gặp mặt đầu Xuân và số công nhân trở lại nhà máy rất khí thế. Nhiều doanh nghiệp bắt tay vào công việc sản xuất ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, rất nhiều người lao động đăng ký ở lại làm việc xuyên Tết, không về quê.
Nếu như trước đây, những ngày đi làm sau kỳ nghỉ Tết, không khí “ăn chơi” vẫn bao trùm. Doanh nghiệp sản xuất rơi vào cảnh thiếu lao động, người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan luôn bực tức khó chịu vì “cán bộ” vẫn đang bận du Xuân, lễ chùa, chúc Tết. Quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đôi lúc vẫn còn nằm trong suy nghĩ của nhiều người, khiến không khí tại các cơ quan “vắng tanh như chùa Bà Đanh”.
Nói về quan niệm ăn chơi trong tháng Giêng, các nhà nghiên cứu văn hoá lý giải rằng: Đối với người Việt Nam ngày xưa, cơ cấu nghề nghiệp hơn 90% số dân là nông dân, đặc điểm nghề nông làm theo thời vụ, lúc vào vụ mùa thì bận tối tăm mặt mũi, ngược lại sẽ có một số thời gian trong năm người nông dân khá nhàn rỗi do đã xong vụ mùa. Những lúc ít việc, họ tranh thủ tổ chức các lễ hội để vui chơi, nghỉ ngơi, bù lại những ngày lao động cực nhọc. Tháng Giêng là tháng có Tết Nguyên Đán và cũng là tháng rảnh rỗi, vì thế, đây thường là tháng nghỉ Tết và chơi hội, ra tháng Hai nắng ấm họ mới bắt đầu gieo hạt, trồng trọt.
Tuy nhiên, phong tục, quan niệm và lối sinh hoạt đó chỉ phù hợp với cuộc sống của người dân ở thời xưa. Ngày nay, công nghiệp hoá kéo theo cơ cấu nghề nghiệp, tính chất công việc và lối sống cũng thay đổi, vậy nhưng vẫn có những năm, công nhân cứ về quê ăn Tết là ăn chơi qua rằm tháng Giêng mới trở lại nhà máy. Vì thế, mới tồn tại thực trạng, cứ ra Tết là doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm lao động.
Năm nay, có lẽ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian lao động nghỉ dịch, thiếu và mất việc làm lâu ngày, cũng khiến cho người lao động háo hức và mong muốn được đi làm, được kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình. Ngày xưa dân gian còn có câu “Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc”, nghĩa là, lương thực tích trữ cả năm dành cho tháng Giêng nghỉ không lao động, chỉ nghỉ ngơi, chơi hội. Hiện tại, như tâm sự của anh Phong, lao động tự do tại TPHCM có muốn ham chơi, nghỉ Tết dài dài cũng không có “bồ thóc” tích trữ để ăn. Các khoản tích luỹ ít ỏi nếu có cũng đã được tiêu xài trong những tháng dịch bệnh không việc làm. Vì thế, được trở lại cuộc sống bình thường, có việc làm chính là khao khát của người lao động.
Như vậy, tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi nữa. Nói như chị Thu Quỳnh, giám đốc một doanh nghiệp: “Chúng ta đã phải nghỉ quá nhiều, ngồi không quá nhiều rồi, lúc này, còn chơi nữa, chỉ có đói”.
Nguồn Tienphong.vn
https://tienphong.vn/thang-gieng-khong-an-choi-post1414542.tpo
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá