Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 37 tỷ USD làm 183km đường sắt đô thị

Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024 | 7:19

Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (Metro) Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị vừa được Uỷ ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố cuối năm diễn ra từ ngày 9 đến 11/12.

Nhân viên lái tàu tại khu vực depot Long Bình, thành phố Thủ Đức chuẩn bị cho ngày vận hành thương mại tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên vào ngày 22/12 (ảnh: QUÝ HIỀN)
Nhân viên lái tàu tại khu vực depot Long Bình, thành phố Thủ Đức chuẩn bị cho ngày vận hành thương mại tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên vào ngày 22/12 (ảnh: QUÝ HIỀN)

Theo Đề án, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến Metro với chiều dài 183km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 37,20 tỷ USD. Đến năm 2045, Thành phố làm thêm 168,36km, nâng tổng chiều dài Metro lên khoảng 352km với tổng mức đầu tư khoảng 21,36 tỷ USD.

Đến năm 2060, phấn đấu hoàn thành thêm 159km để hoàn thành toàn bộ mạng lưới Metro thành phố dài khoảng 510km.

Mục tiêu chung mà Thành phố đề ra là phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của thành phố, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2035 đảm nhận 30-40%, đến năm 2045 đảm nhận 40-50% và sau năm 2045 đảm nhận 50-60%.

Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đối với nguồn vốn thực hiện Đề án thì hình thức đầu tư công là chủ đạo.

 

Trong quá trình triển khai Đề án, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có tiềm năng thương mại.

Về cơ cấu nguồn vốn gồm: ngân sách địa phương (đầu tư công, nguồn vượt thu, khai thác từ quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương,...), vốn vay khác, huy động từ hợp đồng BT trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 đã có ý kiến thống nhất thông qua của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố; ý kiến góp ý của các cơ quan bộ ngành Trung ương, của Tổ công tác Chính phủ, của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và gần nhất là Thường trực Chính phủ; cùng với sự nghiên cứu nghiêm túc, công phu, toàn diện, thận trọng và kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học…

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu của Đề án, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, Đề án của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 32 chính sách, gồm Nhóm cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Nhóm cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương triển khai Đề án, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết để tổ chức thực hiện.