Thành phố Kherson thất thủ, Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút quân
Kherson, thành phố lớn đầu tiên của Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga, trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Thành phố lớn thứ hai Ukraine tan hoang sau khi bị oanh tạc. Ảnh: AP |
Kherson thất thủ
Thị trưởng thành phố Kherson của Ukraine Ihor Kolykhaiev cho biết, quân đội Ukraine không còn ở trong thành phố và cư dân ở đây phải tuân theo chỉ dẫn của những người có vũ trang đã tới chính quyền thành phố.
Theo hãng tin CNN, đây là dấu hiệu cho thấy thành phố này đã chịu sự kiểm soát của quân Nga. Thông báo trên được đưa trên trang Facebook của ông Ihor Kolykhaiev, vài ngày sau khi quân Nga bao vây thành phố này.
Kherson là một thành phố quan trọng về mặt chiến lược, cho phép tiếp cận Biển Đen và gần đường tới bán đảo Crưm, với dân số gần 300.000 người. Hôm qua (2/3), Bộ Quốc phòng Ukraine đã bác tin Nga giành quyền kiểm soát thành phố này và cho biết các lực lượng Ukraine vẫn đang chiến đấu ở các khu vực của thành phố. Tuy nhiên, thông tin mới được công bố cho thấy các lực lượng Ukraine đã rời đi.
Thị trưởng Kherson cũng cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times rằng một nhóm khoảng 10 sĩ quan vũ trang Nga, gồm cả chỉ huy các lực lượng tấn công thành phố, đã tiến vào tòa thị chính hôm 2/3. Ông cho biết, ông được các sĩ quan Nga thông báo rằng họ định thành lập một chính quyền mới tương tự các chính quyền ở hai khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn tại đông Ukraine.
Điều này có nghĩa là nếu Kherson nằm dưới sự kiểm soát của Nga thì đó sẽ là một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột, vì nó đánh dấu thành phố lớn đầu tiên của Ukraine thất thủ trước quân Nga.
Tối muộn hôm qua, Hennady Lahuta - quan chức chính quyền vùng Kherson đã ra một thông báo với nội dung: "Tôi yêu cầu tất cả mọi người, những ai không ở nhà ngay lúc này hay những ai định ra ngoài, đừng làm như vậy. Lực lượng chiếm đóng có mặt ở khắp các khu vực trong thành phố và rất nguy hiểm". Không nói rõ rằng người Nga đã kiểm soát thành phố, Thị trưởng Kolykhaiev đêm qua cho biết rằng "hôm nay có những vị khách có vũ trang đang ở trong ủy ban điều hành thành phố. Tôi không cam kết gì với họ, tôi không có gì để cam kết".
Liên Hợp Quốc lên án Nga tấn công Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3 đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc tấn công Ukraine của Nga, với sự ủng hộ của 141 trong tổng số 193 quốc gia. Nga, Belarus, Triều Tiên, Eritrea và Syria đã bỏ phiếu phản đối.
Theo tờ The New York Times, cuộc bỏ phiếu này chỉ mang tính biểu tượng và không có ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, nó phản ánh sự cô lập ngày càng tăng của Nga trên trường quốc tế khi nước này tấn công Ukraine.
Phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York là một phần của nỗ lực lớn hơn của Liên Hợp Quốc nhằm yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm và tìm cách chấm dứt xung đột.
Nghị quyết dài 4 trang kêu gọi chấm dứt xung đột ngay lập tức, thúc giục đàm phán ngoại giao để tìm ra một giải pháp hòa bình và nói rằng những lợi ích thu được về lãnh thổ thông qua đe dọa bằng vũ lực sẽ không được công nhận. Văn bản này yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức, bảo vệ dân thường và cho phép các hoạt động nhân đạo diễn ra an toàn.
Nghị quyết cũng chỉ trích Belarus, nói rằng nước này nên ân hận vì tham gia cuộc chiến ở Ukraine.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố trước Đại hội đồng rằng nghị quyết trên không đem lại hòa bình và cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh gây áp lực lên các nước để họ phải ủng hộ nghị quyết.
Có 34 quốc gia bỏ phiếu trắng, gồm Trung Quốc, Iraq, Iran, Ấn Độ, Pakistan, Armenia và 16 quốc gia châu Phi.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/thanh-pho-kherson-that-thu-lien-hop-quoc-yeu-cau-nga-rut-quan-819946.html
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin