Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Thứ sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2022 | 14:45

Hiện nay, hoạt động đấu thầu thuốc tập trung, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn cả nước gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do chậm hoàn thành các thủ tục đấu thầu đã ảnh hưởng xấu đến công tác khám, chữa bệnh khiến người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi, tốn kém và quyền lợi không được bảo đảm. Thực tế này rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ.

Theo phản ánh của nhiều người bệnh và ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại các địa phương, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán diễn ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Trong khi chờ các cơ quan chức năng giải quyết, nhiều người bệnh đã phải bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế với giá cao để chữa bệnh…

Cầm đơn thuốc từ nhà thuốc gần cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đi ra, bà Nguyễn Thị Năm, ở huyện Lý Nhân, cứ nhẩm đi, tính lại số tiền vừa dùng mua thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày cấp tính cho chồng. Bà cho biết, chồng bị viêm dạ dày cấp, phải nằm viện điều trị mấy ngày nay ở bệnh viện, nhưng nhiều loại thuốc bệnh viện không còn, kể cả thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán, nên khi bác sĩ kê thuốc gì bà lại phải ra ngoài mua, vừa bất tiện, vừa giá cao…

Cách đây khoảng một tuần, ông Nguyễn Thanh Toan (sinh năm 1954, trú tại xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường) được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định để điều trị di chứng tai biến mạch máu não. Trong thời gian điều trị tại Khoa Thần kinh, ông Toan và nhiều người bệnh khác rất bất ngờ khi được các bác sĩ, y tá “vận động” mua bơm tiêm, dây truyền ở hiệu thuốc bên ngoài do bệnh viện thiếu vật tư...

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nam, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ hằng tháng khám bảo hiểm y tế điều trị xương khớp và tim mạch tại Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết: Trước đây, mỗi lần khám, bác sĩ cho thuốc uống một tháng. Gần đây, số thuốc bác sĩ cho giảm xuống chỉ còn hai đến ba tuần; trong đó, một số loại thuốc chuyên khoa được bảo hiểm y tế thanh toán không còn, người bệnh phải mua bên ngoài..

Ông Nguyễn Văn Long, 65 tuổi, ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, cũng cho biết: “Tôi được phát hiện bị ung thư vòm họng từ ba tháng trước và đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân không có gia đình, lại không có việc làm ổn định, nên tiền điều trị đều do anh em, người dân quyên góp, ủng hộ. Nghe thông tin nhiều người bệnh thiếu thuốc điều trị, tôi rất lo”.

Đó chỉ là một vài trường hợp trong rất nhiều người bệnh phải chịu cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán tại các bệnh viện công lập trên cả nước.

Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, các bệnh nhân điều trị nội trú, có bảo hiểm y tế, vẫn phải bỏ tiền túi mua bơm tiêm, dây truyền, kim chỉ khâu… ở nhà thuốc ngoài bệnh viện. Do không được cán bộ y tế giải thích rõ ràng, nhiều người bệnh và người nhà người bệnh rất bức xúc, thậm chí đăng thông tin lên mạng xã hội, hàm ý nghi ngờ y, bác sĩ có động thái bớt xén vật tư y tế.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định thừa nhận, vài tháng gần đây, bệnh viện thiếu thuốc, vật tư và cả sinh phẩm xét nghiệm. Phần lớn người bệnh điều trị ngoại trú không được cấp phát thuốc đúng kỳ hạn, trong khi khoảng 30% bệnh nhân nội trú thiếu thuốc điều trị. Vật tư thông thường như bơm tiêm, dây truyền, kim luồn tĩnh mạch hay vật tư phẫu thuật như chỉ khâu, găng tay… cũng thiếu đến mức nhiều bác sĩ phải tự bỏ tiền túi ra mua để kịp thời cứu chữa người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, Phan Anh Phong, cho biết: Từ đầu năm 2022, công tác khám và điều trị của bệnh viện đã gặp khó khăn do thiếu một số thuốc và vật tư y tế, nhất là các vật tư dùng một lần. Việc kê đơn để người dân tự mua những loại thuốc nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế cũng là nỗi trăn trở, áp lực của lãnh đạo bệnh viện cũng như các bác sĩ.

Vừa qua, nhiều người dân phản ánh, họ đến Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để tiêm chủng cho con mình nhưng được thông báo hết vaccine. Đại diện Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gần đây, đơn vị gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm nên chưa có vaccine. Nhiều người dân đã cảm thấy lo lắng khi nghe thông tin các bệnh viện đang thiếu thuốc điều trị, nhất là đối với bệnh hiểm nghèo, cần các loại thuốc hiếm...

Bà Phạm Thị Minh Hồng, Kế toán trưởng Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết: Theo Quyết định số 02 ngày 2/2/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quy định quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh và Hướng dẫn số 02 ngày 10/4/2020 của Sở Tài chính tỉnh, nếu mua sắm tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì phải thuê đơn vị thẩm định giá độc lập. Trên cơ sở Chứng thư thẩm định giá do đơn vị tư vấn cung cấp, đơn vị phải tiếp tục gửi hồ sơ đến Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh để thẩm định lại.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, rất nhiều đơn vị thẩm định giá độc lập vi phạm về thẩm định giá đã bị xử lý, cho nên trong tháng 5/2021, khi bệnh viện đi thuê đơn vị thẩm định giá các gói mua sắm trang thiết bị thì họ từ chối không làm, lấy lý do bận nhiều việc và nếu có nhận thì làm rất lâu. Vì gói mua sắm tập trung rất lớn (hơn 400 tỷ đồng), cho nên bệnh viện lại phải lựa chọn một đơn vị thẩm định giá với hình thức chào hàng cạnh tranh. Chỉ tính riêng thời gian lựa chọn được đơn vị thẩm định giá đã mất hai tháng rưỡi và thời gian chờ kết quả thẩm định giá là hơn sáu tháng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Huy, Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập và Nghị định 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế có nhiều bất cập, gây ra khó khăn cho khối bệnh viện trong công tác đấu thầu hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Huy.

Theo quy định, doanh nghiệp bán các mặt hàng trang thiết bị y tế phải công khai giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, nhưng thực tế số doanh nghiệp thực hiện rất ít, thậm chí cố tình không công khai giá. Vì không có thông tin tham khảo, nên nếu đơn vị chào thầu (có giá hợp lý, có điều kiện tài chính và yếu tố kỹ thuật bảo đảm) được xét trúng thầu, có vật tư dùng cho người bệnh thì lãnh đạo bệnh viện chắc chắn sẽ vi phạm quy định đấu thầu…

Bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cho biết: Riêng với thuốc, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định giao Sở Y tế tiến hành đấu thầu tập trung cho tất cả các đơn vị trong và ngoài công lập; còn vật tư, sinh phẩm do các bệnh viện, trung tâm y tế chủ động đấu thầu.

Tuy nhiên, từ đấu thầu thuốc tập trung đến đấu thầu vật tư, sinh phẩm xét nghiệm hiện đều bị chậm khá xa so thời hạn quy định, chủ yếu vì “vướng” ở khâu thẩm định giá. Do phải đáp ứng các quy định mới ngặt nghèo, cho nên các công ty từ chối tham gia. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Song (Đắk Nông) Tống Trường Ký cho biết, các mặt hàng chưa được công bố giá, chưa phân loại, phân nhóm trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) dẫn tới việc xây dựng danh mục rất khó khăn. Một số mặt hàng trúng thầu thì không có mã vật tư y tế để thanh quyết toán với Bảo hiểm y tế.

* Thông tư 39/2021/TT-BYT sửa đổi bổ sung Thông tư 21/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chất lượng dược liệu vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền phải có tài liệu chứng minh nguồn gốc của dược liệu để sản xuất vị thuốc cổ truyền, giấy đăng ký lưu hành vị thuốc cổ truyền dẫn đến hầu hết các vị thuốc trúng thầu đã được phê duyệt trước đó phải tạm dừng sử dụng do chưa được cấp số đăng ký lưu hành theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hải Phòng Nguyễn Tiến Sơn cho rằng, việc mua sắm tập trung các loại thuốc thông thường theo thẩm quyền của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do biến động giá cả nhanh, sản phẩm thuốc chữa bệnh và nguyên liệu sản xuất thuốc lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, cho nên có nhiều gói thầu thuốc khi mở thầu lại không có nhà cung cấp tham gia.

Trong khi đó, thủ tục mở một gói thầu thuốc và vật tư y tế lại diễn ra trong thời gian dài, khi hoàn tất để mở thầu thì giá cả đã trượt và không có nhà cung ứng… Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, Phạm Vĩnh Hùng, cho biết thêm: Kết quả trúng thầu của danh mục thuốc đàm phán giá và danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Trung tâm Mua sắm thuốc quốc gia (Bộ Y tế) ban hành thường chậm, khoảng từ sáu tháng đến một năm, hoặc lâu hơn tùy từng loại mặt hàng.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư tại đơn vị khám, chữa bệnh qua nhiều khâu, từ xây dựng danh mục, giá kế hoạch đến thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, ban hành kết quả trúng thầu kéo dài từ năm đến tám tháng.

Những khó khăn, bất cập nêu trên dẫn đến chậm hoàn thành các thủ tục đấu thầu thuốc, vật tư y tế, và khiến công tác khám, chữa bệnh của cơ sở y tế gặp khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán. Thực trạng này cần sớm được khắc phục.

 

 

Nguồn https://special.nhandan.vn/thao-go-kho-khan-trong-dau-thau-thuoc-va-vat-tu-y-te/index.html#group-section-Thieu-thuoc-vat-tu-y-te-phuc-vu-kham-chua-benh-w8qjagPOLh