Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng trong nước vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là đủ khả năng đảm đương các dự án trọng điểm quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu rõ, các nhà thầu đang đối mặt khó khăn, trong đó có cơ chế đặc thù giao nhà thầu quản lý khai thác các mỏ vật liệu xây dựng. Một số nhà thầu vẫn vướng mắc liên quan thủ tục cấp phép mở mỏ, quy hoạch, xác định trữ lượng thực tế. Thí dụ mỏ đó gấp đôi nhu cầu của doanh nghiệp xây dựng nhưng chủ mỏ yêu cầu doanh nghiệp phải mua toàn bộ, vậy sản lượng dư thừa thì doanh nghiệp không biết phải làm gì. Do đó cần giao địa phương có cơ chế cụ thể đền bù giải phóng mặt bằng các mỏ. Ông kiến nghị cần thay bằng có đơn giá định mức tổng hợp thay thế cho các đơn giá chi tiết mà suốt ngày chúng ta phải “đuổi theo để quản lý”, xây dựng các định mức chuyên ngành. Về cơ chế vận dụng cần có sự linh hoạt, sát thực tế, tránh thiệt thòi cho các nhà thầu…
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, Tập đoàn đã và đang là nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, bao gồm cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư theo phương thức PPP. Trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cụ thể như sau: Dự án Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng gần 350 tỷ để tổ chức thi công, hỗ trợ địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, vốn ngân sách Nhà nước đã giải ngân 300 tỷ đồng, vốn tín dụng đã được thu xếp nhưng không thể giải ngân do dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tăng vốn ngân sách nhà nước lên 70% (mặc dù Quốc hội đã thống nhất từ tháng 11/2023). Tỉnh Cao Bằng đã giải trình Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều văn bản, chỉ đạo qua lại nhưng đến nay vẫn chưa xác định thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với dự án này, Tập đoàn kiến nghị có ý kiến chỉ đạo các bên làm sao để phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc (Ảnh: TRẦN HẢI). |
Tại Dự án Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn: với phương pháp cải tiến trong thi công đào hầm hệ Đèo Cả, nhà thầu có cơ sở để hoàn thành dự án trong 12/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thay vì vượt tiến độ 8 tháng, có thể vượt tiến độ 12 tháng nếu như trước đó tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu, các thủ tục về đất rừng Tập đoàn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát luật nông nghiệp, luật đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan cho phép cơ chế đối với công trình đặc thù hầm, các công trình tạm, đường công vụ tiếp cận hầm được triển khai mà không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đối với dự án Cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang: công tác phân chia gói thầu không phù hợp, 22 cầu trên chiều dài 77km của dự án được chia thành 1 gói, nhà thầu thi công cầu không có đường tiếp cận, đường công vụ do phụ thuộc gói thầu thi công đường làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tiến độ dự án; việc phân chia gói thầu này trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong khi tiến độ thi công cầu phụ thuộc tiến độ phần đường… Do đó, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, cần điều chỉnh biện pháp thi công, bổ sung các đường công vụ tiếp cận hoặc kéo dài thời gian thực hiện.
Đối với dự án Cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia thấp, khoảng 36%, vốn vay rất lớn (khoảng gần 9.877 tỷ), dự án lại không được áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu (vướng Nghị định 35/2021/NĐ-CP) dẫn đến dự án chưa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu áp dụng phương án vay vốn tín dụng của Nhà nước để bù đắp thì vướng Nghị định 78/2023/NĐ-CP (yêu cầu vốn chủ sở hữu khác với Luật PPP). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo giải quyết nhưng việc sửa Nghị định sẽ kéo dài thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
Đèo Cả cũng kiến nghị: hệ thống định mức đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 09 của Bộ Xây dựng; đã kịp thời ban hành hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù (đặc biệt đây là lần đầu tiên được áp dụng và chưa có tiền lệ từ trước). Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số định mức về hầm (đường bộ, đường sắt,...) cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh bảo đảm tính đúng, tính đủ phù hợp với biện pháp thi công hiện nay. Trong vai trò là nhà đầu tư, Đèo Cả nhận thấy việc xác định giá trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt phải phù hợp giá thị trường và tiêu chuẩn kỹ thuật dự án. Tuy nhiên, trong quá trình hậu kiểm hiện nay còn có “quan điểm” yêu cầu tính toán lại và lấy giá thấp nhất (thí dụ: giá xi măng có thương hiệu, ổn định, chất lượng thì giá cao; còn một số xi măng địa phương giá thấp,...).
Để các doanh nghiệp Việt Nam sớm tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (đường sắt, metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh, …), Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ: tổ chức để các doanh nghiệp Việt Nam tham quan, học tập, nghiên cứu mô hình của doanh nghiệp và các trường đào tạo (cao đẳng, đại học) nước ngoài đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. Qua đó, để tự tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp, nhằm chuẩn bị cho việc cùng tham gia thi công, tiếp nhận, chuyển giao và tiến tới làm chủ công nghệ.
Tập đoàn cũng mong Bộ Giao thông vận tải cần nâng cao trách nhiệm chủ động xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao. Đối với các dự án có quy mô lớn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua (hiện nay công tác đấu thầu đang bị hạn chế do việc xét thầu không phản ánh được năng lực thực tế của nhà thầu; hồ sơ mời thầu có tính định lượng không cao,...).
Tập đoàn nêu rõ, Bộ Chính trị vừa có ý kiến kết luận về chủ trương triển khai dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam. Đây là một dự án có quy mô rất lớn và cần nhiều các đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong thời gian qua,, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn (chưa có tiền lệ) thuộc Dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đang quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2025.
Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng cần sử dụng để tối ưu sản xuất, đồng thời tận dụng nguồn lực nội tại của đất nước. Nên việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần phải có cơ chế của Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước.
Theo đó, cần tổ chức thực hiện dự án tách thành 2 hợp phần. Hợp phần 1: là các hạng mục xây dựng từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ (gồm cầu, đường, hầm) cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án cao tốc vừa qua. Hợp phần 2: phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường kiến nghị, cần có cơ chế để các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn vật liệu, thí dụ kết hợp đào hồ, ao, nạo vét để lấy tận dụng nguồn này làm vật liệu san lấp các dự án giao thông khu vực đó, không để lãng phí tài nguyên. Ông kiến nghị các bộ, ngành cần linh hoạt chỗ này, nên ủy quyền cho các địa phương cấp mỏ vật liệu san lấp.
Ông Trường nêu thực tế, chỉ có địa phương mới nắm được rõ mỏ nào khai thác được để làm vật liệu san lấp. Từ kinh nghiệm những dự án đã triển khai, ông Trường cho biết, những công trình liên quan vốn Nhà nước thì thủ tục giải quyết rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp tư nhân tự làm thì đơn giản hơn.
Điều quan trọng là các địa phương phải đổi mới tư duy, cách quản lý điều hành, khai thác mỏ vật liệu nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì cần ứng dụng những công nghệ, thiết bị hiện đại vào khai thác mỏ vật liệu, không nhất thiết phải làm theo cách truyền thống là nổ mìn, khoan phá đá... làm ảnh hưởng môi trường chung quanh.
Cần phối hợp chặt chẽ với nhau giữa các bộ, ngành, thí dụ phối hợp chính sách trong kết hợp nạo vét sông, kênh để lấy vật liệu làm đường. Chính vì vậy, ông đề nghị Thủ tướng Chính phủ triệt để phân cấp, phân quyền cho lãnh đạo tỉnh phụ trách việc này.
Ông cũng kiến nghị, cần xử lý ngay các hệ thống hầm chui trong giai đoạn 2 của tuyến cao tốc bắc–nam hiện nay, nếu không sau này khi mở rộng, việc xử lý các hầm chui sẽ rất tốn kém, phức tạp.
Một vấn đề nan giải nữa hiện nay các các doanh nghiệp hay gặp tình trạng bị nợ đọng vốn, như doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường bị nợ đọng đến 5 năm nay khoảng 1.000 tỷ đồng khi làm dự án ở Thái Nguyên. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tích cực giải quyết vấn đề này, phải có cơ chế thông thoáng khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn tham gia đầu tư dự án.
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) kiến nghị hiện, Lilama nói riêng, doanh nghiệp xây dựng nói chung cực kỳ khó khăn trong tuyển dụng thợ lành nghề; nguy cơ thiếu hụt lao động tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp lành nghề tay nghề cao như thợ hàn, thợ căn chỉnh lắp máy… Hơn nữa, gần đây, các công nhân lành nghề đều chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với lương cao hơn, ổn định hơn.
Hiện ở các dự án trọng điểm mà Lilama đang thi công cũng gặp nhiều khó khăn huy động công nhân tay nghề cao, dù có lúc phải trả tới 800 nghìn-1 triệu đồng/người/ngày mà không thuê được thợ lành nghề. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách chú trọng đào tạo nghề cho công nhân kỹ thuật cao.
Tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi công các công trình trọng điểm quốc gia
Lilama cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia các dự án trọng điểm; có quy định có doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong vai trò liên danh nhà thầu EPC...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon Phạm Việt Khoa kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc thù vì khi đấu thầu thường bị đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm các dự án tương tự, nhưng đối với dự án mới sau đây như Dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bắc-nam có yêu cầu công nghệ cao, phức tạp thì Chính phủ cần có cơ chế chỉ định thầu để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia những dự án lớn này với vai trò chính thức chứ không phải là thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện đầu tư phát triển công nghệ, phát triển bền vững.
Với các doanh nghiệp trong nước chưa từng làm các dự án này thì có thể đi thuê chuyên gia nước ngoài. Hình thức này nên áp dụng cho các dự án trọng điểm có yêu cầu công nghệ cao, độ khó và phức tạp.
Liên quan việc quản lý dự án bằng đơn giá, ông cho biết, thế giới hiện nay đã áp dụng đơn giá trọn gói, hoặc tốt nhất quản lý bằng phương thức “chìa khoá trao tay”, trong khi hiện nay, chúng ta vẫn quản lý quá chi tiết cụ thể. Ông cũng nêu nợ đọng xây dựng vẫn là vấn nạn hiện nay, bị “câu giờ” trong thanh toán đối với các nhà thầu.
Trước tình hình khó khăn hiện nay trong tuyển dụng lao động, Công ty kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi để giúp doanh nghiệp xây dựng tuyển dụng lao động...