Thêm một bước tiến để “tăng chất” cho thị trường chứng khoán, trong đó có mục tiêu nâng hạng
- Thông tư mới khi được ban hành sẽ là một bước tiến để thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ chung trên thị trường quốc tế, trong đó, nâng hạng cũng là một mục tiêu quan trọng. Đây là một trong những bước quan trọng để tạo điều kiện và nền tảng cho những bước tiếp theo, để đưa TTCK Việt Nam phát triển chất lượng và hiệu quả hơn.
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Thảo luận dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương; Phó Chủ tịch UBCKNN Bùi Hoàng Hải; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, UBCKNN và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Đồng thời, hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cùng đại diện lãnh đạo của ngân hàng lưu ký, ngân hàng thanh toán và một số công ty chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Nhiều quy định đã được tiếp thu, bổ sung
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã được Bộ Tài chính, UBCKNN quan tâm chỉ đạo xây dựng từ sớm và đã công bố lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân và thành viên thị trường. Tuần qua, Ban soạn thảo cũng đã đăng tải dự thảo Thông tư sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan và đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ, góp ý mang tính xây dựng, hiệu quả các tổ chức, cá nhân và thành viên thị trường. “Đây là một bước tiến mới để thị trường chứng khoán tăng chất lượng phát triển, trong đó nâng hạng cũng là một trong những mục tiêu cho tiến trình chung đó” – Thứ trưởng nói.
Dự thảo Thông tư mới sẽ sửa đổi, bổ sung 4 thông tư, gồm: Thông tư 120/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động giao dịch; Thông tư 119/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động bù trừ và thanh toán; Thông tư 121/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của CTCK; và Thông tư 96/2020/TT-BTC hướng dẫn hoạt động công bố thông tin (CBTT).
Tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch UBCKNN đã thay mặt Ban soạn thảo trình bày những nội dung chính của Dự thảo Thông tư sửa đổi, như không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức (NĐTTCNN), quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho NĐTNN.
Cùng với việc không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh, dự thảo mới còn quy định, công ty chứng khoán (CTCK) và NĐTTCNN thỏa thuận về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu phải có đủ tiền khi đặt lệnh. Đồng thời, nghĩa vụ thanh toán phần còn lại được chuyển cho CTCK nơi NĐTTCNN đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Thông tư mới cũng quy định, CTCK được bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán cho NĐTTCNN chậm nhất tại ngày T+3. Nếu NĐTTCNN không mua lại hoặc không mua lại được do giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, CTCK thực hiện bán cổ phiếu trên thị trường. Các khoản tài chính phát sinh thực hiện theo thỏa thuận giữa CTCK và NĐTTCNN hoặc đại diện theo ủy quyền của NĐTTCNN.
Theo quy định mới, NĐTTCNN phải có đủ tiền trên tài khoản trước thời điểm thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán.
Trong dự thảo mới nhất quy định, hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu sẽ là các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK, nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu của CTCK và dư nợ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC về việc công bố thông tin đồng thời tiếng Việt và tiếng Anh của tổ chức niêm yết (TCNY), công ty đại chúng (CTĐC) theo lộ trình, theo đối tượng và theo thông tin công bố.
Cụ thể: TCNY, CTĐC quy mô lớn CBTT định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2025; TCNY, CTĐC quy mô lớn CBTT bất thường, CBTT theo yêu cầu và CBTT về các hoạt động khác của CTĐC đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2026; CTĐC không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này CBTT định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2027; CTĐC không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này CBTT bất thường, CBTT theo yêu cầu và CBTT về các hoạt động khác của CTĐC đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2028.
Cũng tại hội thảo, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tông công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cũng đã trình bày chi tiết về lưu đồ thanh toán đảm bảo nguyên tắc VSDC thực hiện chuyển nghĩa vụ thanh toán tiền giao dịch mua cổ phiếu còn lại của NĐTTCNN thành nghĩa vụ của CTCK nơi NĐT đặt lệnh mua cổ phiếu (qua tài khoản tự doanh của CTCK) tại ngày thanh toán.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh. |
Nhận được sự đồng thuận cao từ thành viên thị trường
Tại hội nghị, các thành viên thị trường tham dự đều bày tỏ sự đồng thuận cao về các quy định đã đưa nêu trong dự thảo; đồng thời cũng đánh giá cao bản dự thảo lần này khi đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý từ các thành viên.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Giám đốc Khối Phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cũng đồng tình về mặt đối tượng áp dụng không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước khi đặt lệnh là NĐTTCNN. Đồng thời, đại diện SSI cũng đánh giá cao về độ mở của dự thảo Thông tư khi cho phép CTCK được dựa trên mức độ tín nhiệm của NĐTTCNN để đưa ra tỷ lệ ký quỹ phù hợp. Bên cạnh đó, “việc quy định hạn mức nhận lệnh sẽ là các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu cũng là rất an toàn, và các công ty đáp ứng được” – ông Hải nói.
Còn theo ông Đỗ Quang Bảo – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán VietCap, dự thảo Thông tư lần này đã sát với thực tiễn và có thể triển khai được trên thị trường. Mặc dù đây là nghiệp vụ phức tạp, tuy nhiên với kinh nghiệm và khả năng tài chính, quản trị rủi ro của các CTCK hiện nay thì mức độ khả thi cao.
Cùng với đại diện của VietCap, ông Trịnh Hoài Giang – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cũng đồng thuận và đánh giá cao những quy định mới trong dự thảo thông tư.
Cũng tại hội nghị, đại diện các ngân hàng thanh toán, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng thuận, đồng thời cũng đề xuất một số ý kiến để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định trước khi ban hành chính thức Thông tư mới.
Là một bước tiến quan trọng để tăng chất lượng phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường đã đồng hành, tích cực đóng góp ý kiến để cùng cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư trong suốt thời gian qua.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo khi được ban hành chính thức sẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thực tiễn của thị trường. Hiện tại, cơ quan quản lý cũng đang xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để khi Thông tư được ban hành sẽ có đầy đủ quy trình để triển khai. |
Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương cho biết, để đáp ứng tiêu chí về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) theo tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng đề ra, thì giải pháp không yêu cầu ký quỹ đủ tiền trước giao dịch là giải pháp ngắn hạn; còn về dài hạn sẽ triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
“Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo, UBCKNN đã luôn chủ động cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng sau khi lấy ý kiến nhiều đơn vị, tổ chức trong nước và ngoài nước. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo khi được ban hành chính thức sẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thực tiễn của thị trường. Hiện tại, cơ quan quản lý cũng đang xây dựng các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan để khi Thông tư được ban hành sẽ có đầy đủ quy trình để triển khai” – Chủ tịch UBCKNN cho hay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá cao các ý kiến tham gia thảo luận, cho thấy các thành viên đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo thông tư.
Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng đã ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp, đồng thời giao UBCKNN tiếp tục đánh giá và nếu cần thiết thì điều chỉnh trong dự thảo thông tư để đảm bảo tính phù hợp, phát huy hiệu quả khi áp dụng thực tiễn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, Thông tư mới khi được ban hành sẽ là bước đi đầu tiên để TTCK Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ chung trên thị trường quốc tế, đưa TTCK trong nước phát triển chất lượng và hiệu quả hơn. Đây là một trong những bước tiến quan trọng để tạo điều kiện và nền tảng cho những bước tiếp theo. “Chúng ta vui mừng khi các quy định tại dự thảo thông tư có sự đồng thuận rất cao từ cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan và các thành viên thị trường” – Thứ trưởng chia sẻ thêm.
“Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung các quy định lần này là nâng cao chất lượng phát triển của TTCK Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ vì mục tiêu nâng hạng. Bởi kết quả nâng hạng còn phụ thuộc vào sự đánh giá các tổ chức xếp hạng thông qua ý kiến đánh giá của các NĐTNN. Nếu chất lượng TTCK Việt Nam được nâng lên thì sẽ tăng tính hấp dẫn đối với NĐTNN và đó cũng là nhu cầu đầu tư của chính các tổ chức xếp hạng. Lợi ích từ việc nâng hạng không chỉ dành cho cơ quan quản lý, mà còn giành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành viên và toàn TTCK nói riêng, cũng như nền kinh tế nói chung” – Thứ trưởng nói./.
Việt Nam đang hoàn thiện 2 tiêu chí cuối cùng theo tiêu chuẩn của FTSE TTCK Việt Nam đang được xếp vào nhóm TTCK cận biên (Frontier Market), gồm 29 quốc gia, Việt Nam là thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm. Mục tiêu trọng tâm hiện nay là được nâng hạng theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell (trước mắt là hạng Thị trường mới nổi thứ cấp). FTSE Russell đánh giá Việt Nam trong hai năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hoạt động TTCK và đạt 7/9 tiêu chí đối với thị trường mới nổi thứ cấp.
|
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức