Thị trường Trung Quốc và "chứng hay quên" của người Việt
Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu đã tồn tại từ 3 - 4 năm về trước và khi sự việc xảy ra, người ta lại đặt ra những câu hỏi: Tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn?
Sao không đa dạng, không phát triển thị trường 100 triệu dân? Sao không tăng chế biến hàng hóa mà lại xuất khẩu thô? Sao không chuẩn hóa chất lượng, xuất khẩu chính ngạch, đầu tư phát triển logistic?
"Nhưng chúng ta mắc chứng hay quên, vì khi giải phóng được hàng thì những câu hỏi đó lại trôi đi mà không kiên trì tìm các giải pháp đối phó việc đứt gãy" - Đây là nhận xét của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại một buổi tọa đàm vừa diễn ra (báo Vietnamnet, đăng ngày 5/3).
Không ai khác, người chỉ ra vấn đề và nêu lên thực trạng trên chính là người đứng đầu, là lãnh đạo điều hành cao nhất ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Bộ trưởng Hoan còn chỉ ra, chúng ta mắc bệnh tự bằng lòng, hài lòng với cái đang có nên ngại thay đổi. Cách làm kinh tế vẫn mù mờ về đầu cung và đầu cầu, không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản nên gặp nhiều rủi ro.
Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng Hoan đã bắt trúng "bệnh", đã nhìn thấy rất rõ khúc mắc của bài toán mà bấy lâu nay chúng ta vẫn mặc định là "nan giải". Nhưng vì sao lại nan giải khi ta đã quá rõ vấn đề và đã có thể trình bày lời giải?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Thứ nhất về "chứng hay quên". Nói là "quên" bởi tình huống ùn tắc này vừa xảy ra không lâu thì lại tái diễn. Đây đâu phải là lần đầu các nhà quản lý, các chuyên gia nói rằng "chớ nên lệ thuộc vào một thị trường nữa". Kết quả rồi sao? Vẫn là tình huống cũ, cảnh tượng như cũ và những lời góp ý mà người nghe "biết rồi, khổ lắm… nói mãi!".
Hai là "bệnh tự hài lòng". Nếu như mọi thứ đều tốt đẹp, chúng ta có quyền hài lòng chứ! Nhưng thực tế cho thấy, vấn đề giao thương - nhất là buôn bán đối tác nước ngoài - không bao giờ chỉ có thuận lợi. Sẽ có lúc trắc trở, rủi ro. Và giả như người ta quản trị được rủi ro, lường trước rủi ro và xử lý được những rủi ro đó thì cũng có thể hài lòng phần nào đó.
Tuy nhiên, thị trường luôn biến động và đặt ra những thách thức mới. Sự hài lòng sẽ "giết chết" tương lai của doanh nghiệp và cả một ngành nghề chứ đừng nói là khi những nút thắt tồn tại từ nhiều năm trước vẫn còn chưa tháo gỡ được!
Đó không thể là sự hài lòng, mà là sự thỏa hiệp và trì trệ! Một khi đã thỏa hiệp để sống chung với bệnh, cho rằng nó đã "di căn" rồi và chấp nhận sống chung, làm theo lề thói cũ, thì đến cuối cùng, nền nông nghiệp vẫn thế, người nông dân vẫn muôn đời thua thiệt và doanh nghiệp vẫn chẳng thể lớn lên.
Chúng ta sẽ loanh quanh, luẩn quẩn đến khi nào? Rồi các cuộc hội thảo vẫn diễn ra năm này sang năm khác và tôi lại viết tiếp những bài viết tương tự trên BLOG chỉ để tâm sự nỗi lòng với độc giả hay sao?
Tại buổi tọa đàm trên, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.
"Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều", ông Bình nói.
Phải nói thẳng thắn rằng, việc ở cạnh một thị trường đông dân, rộng lớn như thị trường Trung Quốc là một thuận lợi, may mắn với người nông dân và doanh nghiệp Việt. Tiết kiệm được chi phí trung gian (đặc biệt là chi phí vận chuyển, logistic) thì hàng hóa sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn về giá cả. Đã vậy, phía người bán của chúng ta lại quen với lối nghĩ cho rằng đó là một thị trường dễ tính.
Chính điều đó khiến chúng ta rơi vào "bẫy". Nếu ta tự định vị hàng hóa của mình là đại trà để phục vụ cho thị trường dễ tính, thì khi đối tác thay đổi, trở nên khó tính, tự khắc chúng ta thua toàn tập, đi vào bế tắc.
Nói đâu xa, những người sống quanh ta đâu còn mấy ai mưu cầu "ăn no, mặc ấm" mà đã nâng tiêu chuẩn lên "ăn ngon, mặc đẹp, dùng sản phẩm an toàn". Vì sao cũng là hoa quả mà người tiêu dùng ta lại săn lùng sản phẩm của Úc, của Nhật, của Mỹ?!
Vậy nên, chất lượng còn quan trọng hơn nhiều so với sản lượng. Làm ra nhiều nhưng không tiêu thụ được, một số quốc gia còn yêu cầu chi phí tiêu hủy và xử lý rác thải, chứ đâu có chuyện "giải cứu"?!
Tôi thực sự cảm kích về sự thẳng thắn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trước những tồn tại của ngành nông nghiệp, song tôi cũng đặt kỳ vọng, ông sẽ có phương thuốc đặc trị thật hữu hiệu.
Tất nhiên, trong chuỗi cung ứng hàng hóa, trong ngoại thương không chỉ có trách nhiệm của lãnh đạo ngành nông nghiệp mà còn có trách nhiệm của ngành công thương, thuế, ngoại giao… Dẫu thế, ít nhất về quy hoạch ngành, Bộ cần tính toán được sản lượng hàng năm (sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ thế nào), có vùng sản xuất và kênh tiêu thụ, học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để công nghiệp hóa nông nghiệp, dần xóa bỏ tính manh mún, tự phát.
Biết rằng khó, nhưng khó mới cần lãnh đạo có tài, có tâm và có tầm.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/thi-truong-trung-quoc-va-chung-hay-quen-cua-nguoi-viet-20220305223426763.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá