Thị trường cần những phiên mở biên độ để “test” cung – cầu
- Thị trường chứng khoán trong nước về cơ bản tiếp tục cho thấy diễn biến tích cực trong tháng 6. Chỉ số VN-Index đã chính thức vượt đỉnh 1.300 điểm vào phiên 12/6, nhưng sau đó đã rời đỉnh này và diễn biến giằng co. Sau nhiều phiên thận trọng, thị trường đã có phiên giảm mạnh ngày 24/6, đưa chỉ số về sát ngưỡng kháng cự dưới tại 1.250 điểm. Tuy vậy theo nhiều chuyên gia, việc thị trường biến động mạnh sau nhiều phiên “dền dứ” là bình thường, thậm chí ở góc nhìn tích cực, thị trường cần những phiên mở rộng biên độ để thu hút dòng tiền mới.
Thị trường cần những phiên mở biên độ để kích thích dòng tiền mới tham gia. Ảnh: Duy Dũng |
Ngưỡng VN-Index 1.250 điểm vẫn là hỗ trợ cứng?
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi vượt đỉnh 1.300 điểm đã cho thấy sự giằng co vì tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Sau khi VN-Index rời đỉnh 1.300 điểm, thị trường đã chuyển sang giai đoạn đi ngang, tích lũy nhiều phiên.
Tuy nhiên, một phiên bất ngờ đã xuất hiện vào đầu tuần (24/6), sức ép bán xuất hiện mạnh khiến thị trường giảm điểm trên biên độ rộng và chỉ số VN-Index lùi sâu về sát ngưỡng 1.250 điểm. Kết thúc phiên 24/5, VN-Index giảm tới -27,90 điểm, dừng ở gần sát ngưỡng kháng cự dưới tại 1.254,12 điểm.
Mặc dù vậy, thị trường chứng khoán trong nước cũng nhanh chóng được trấn tĩnh, khi lực bán đã giảm rất đáng kể vào phiên 25/6. Chỉ số VN-Index quay lại diễn biến giằng co và lấy lại được sắc xanh nhẹ, tăng +2,44 điểm, đạt 1.256,56 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng đã quay trở lại với vùng 20 – 25 nghìn tỷ đồng/phiên sau phiên tăng rất mạnh đầu tuần (hơn 36 nghìn tỷ đồng/phiên). Điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy thị trường đã bình ổn hơn sau phiên giảm mạnh bất ngờ.
Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước đang trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, do vậy, rất dễ bị tác động tâm lý khi xuất hiện những tin đồn thiếu căn cứ. Nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ lo ngại về việc thị trường vào nhịp điều chỉnh mạnh và dài, nhưng thực tế cũng chưa đủ căn cứ. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, thị trường cần những xung nhịp để vượt qua khỏi giai đoạn giằng co trong biên độ hẹp. Trên thực tế, ngưỡng kháng cự dưới tại 1.250 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ khá chắc chắn để hỗ trợ cho thị trường hồi phục lại và tăng điểm khi có nhiều thông tin tích cực hơn dự kiến xuất hiện trong tháng 7.
Cần những “cú” mở biên độ để “test” cung – cầu
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán trong nước điều chỉnh giảm mạnh là phiên đầu tuần khá bất ngờ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, đây cũng là diễn biến mà thị trường đang cần để vượt qua giai đoạn giằng co kéo dài. “Chỉ số VN-Index điều chỉnh chỉ một phiên sau giai đoạn lình xình, đi ngang không phải là diễn biến quá bất thường. Những phiên mở biên độ luôn cần để dòng tiền vượt qua cơn “buồn ngủ” và “test” cung – cầu” – chuyên gia này cho hay.
Thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn tăng điểm dài và vượt đỉnh, dòng tiền sẽ cần những phiên tạo cảm xúc để “retest” lại cơ hội. “Thị trường chứng khoán tháng 7 dự kiến sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ hơn, đặc biệt là dòng thông tin về kết quả kinh doanh. Về kinh tế vĩ mô đang cho thấy sự hồi phục và ổn định hơn như: tăng trưởng GDP, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, tăng trưởng tín dụng tích cực…. Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận sẽ thuận lợi hơn cho giai đoạn tới khi mặt bằng giá có những phiên điều chỉnh mạnh” – chuyên gia chia sẻ thêm.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, theo dữ liệu Bloomberg, định giá thị trường thời điểm hiện tại không thực sự rẻ với mức P/E chỉ số VN-Index là 16,1 lần, cao hơn mức bình quân hai năm gần nhất ở 14,8 lần. Điều này có thể lý giải là do mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm mạnh trong hai năm gần đây, giúp thị trường xứng đáng được định giá ở mức cao hơn.
Dù vậy, câu chuyện định giá sẽ cần xem xét kỹ lại trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, một mức tăng nhiều hay ít sẽ quyết định đến mức định giá phù hợp của chỉ số trong tương lai. “Trong kịch bản cơ sở, tôi cho rằng lãi suất huy động bình quân sẽ không tăng quá mạnh (trên dưới 1% từ đáy cuối tháng 3/2024), đưa lãi suất huy động quay về mức nền thấp giai đoạn Covid-19. Theo đó, cơ hội đầu tư trung dài hạn vẫn tương đối rõ nét” – ông Đức Anh nói.
Trong ngắn hạn, chuyên gia của KBSV cho rằng, áp lực lên thị trường vẫn sẽ tiếp diễn, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tăng trưởng rõ nét trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tới đây.
Trung, dài hạn tích cực, nhưng theo dõi sát ngắn hạn “Tôi duy trì đánh giá tích cực với triển vọng thị trường chứng khoán trong trung dài hạn với nhận định mặt bằng lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mức thấp sau nhịp tăng hiện tại, và động lực đến từ tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng ở mức an toàn, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), chờ đợi điểm mua hợp lý ở nhóm cổ phiếu tăng trưởng cơ bản tốt” – Ông Trần Đức Anh -Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam. \ |
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu