Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Chủ nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2024 | 11:12

- Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (6 – 10/5) diễn biến có phần khởi sắc hơn. Mặc dù áp lực bán gia tăng trong những phiên cuối tuần khiến chỉ số VN-Index giằng co và giảm nhẹ, tuy nhiên, thị trường vẫn có một tuần tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản. Thị trường đang gặp ngưỡng cản tại mốc 1.250 điểm, do đó, chỉ số sẽ còn giằng và rung lắc quanh ngưỡng này để có thể phát tín hiệu cho xu hướng ngắn hạn tiếp theo.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (6 – 10/5) nhìn chung có tuần tăng khá cả về điểm số và thanh khoản.

Chỉ số VN-Index tăng khá tốt trong phiên đầu tuần và giữa tuần, giúp chỉ số VN-Index tiến tới ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời ngắn hạn gia tăng vào các phiên cuối tuần khiến chỉ số giằng co và rung lắc. Lực cầu bắt đáy có xuất hiện nhưng chưa lấn át nên chỉ số VN-Index không giữ được mốc 1.250 cuối tuần.

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.244,7 điểm, tăng +23,67 điểm, tương đương mức tăng +1,94% so với phiên cuối trước. Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng tăng so với tuần trước, cụ thể: Chỉ số HNX-Index tăng +7,46 điểm, tương đương +3,3%, đạt 235,68 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng +1,94 điểm, tương đương 2,2%, đạt 91,72 điểm.

Trong tuần, hầu hết các nhóm ngành đều có sự tăng trưởng so với tuần kế trước, tuy nhiên mức độ phân hóa tương đối lớn. Nhiều nhóm ngành tăng giá tốt như: Dầu khí, dịch vụ tiêu dùng, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin… khi tăng lần lượt 7,9%, 5,3%, 5,2% và 4,3%. Trong khi đó, cũng có những ngành tăng không đáng kể như ngân hàng (0,2%), hàng tiêu dùng (0,1%)…

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Theo đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tích cực vượt trội trong tuần trước thông tin Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa có 2 phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA. Nhiều cổ phiếu phục hồi tăng tốt như: PVB (+23,01%), PVT (+17,13%), PVP (+13,86%), POS (+12,50%), PVS (+11,42%)...

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần tăng khá tốt trở lại. Tính chung cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 22,526 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 29% so với con số của tuần trước.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông trước các báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 tăng trưởng tốt, nhiều mã tiếp tục tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến, vượt đỉnh giá gần nhất như: CMG (+30,60%), ELC (+17,36%), FOX (+7,72%), VGI (+5,45%)...

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Các cổ phiếu nhóm dệt may sau thời gian tích lũy cũng có diễn biến rất nổi bật trong tuần, khi hầu hết tăng giá mạnh như: VGT (+27,50%), TNG (+10,89%), MSH (+10,56%), STK (+3,44%)...

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng phục hồi tăng giá mạnh, thanh khoản tăng mạnh, một số mã vượt đỉnh giá tháng 4/2024 khi thanh khoản thị trường cải thiện, nổi bật như: BVS (+17,65%), CSI (+15,69%), CTS (+14,61%), FTS (+10,46%), BSI (+8,82%)...

Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa hơn, đa số biến động trong biên độ hẹp. Bên cạnh một số mã tăng điểm tốt như: BVB (+12,84%), VAB (+5,38%), MSB (+4,06%)... thì cũng có nhiều mã giảm điểm trong tuần như: VBB (-5,0%), HDB (-3,07%), NAB (-2,08%)...

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần tăng khá tốt trở lại. Tính chung cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 22,526 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 29% so với con số của tuần trước. Tính riêng trên từng sàn, thanh khoản cũng tăng trên cả 3 sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE đạt 19.746 tỷ đồng/phiên, tăng 26%; trên HNX đạt 1.880 tỷ đồng/phiên, tăng 55%; trên UPCoM đạt 889,6 tỷ đồng/phiên, tăng 48%.

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Khối ngoại có một tuần giao dịch kém tiêu cực trên thị trường chứng khoán trong tuần. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng rất lớn trong tuần, với 3.012 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng bán ròng của khối ngoại trong tuần có giao dịch bán thỏa thuận khá lớn của VHM, nhất là trong phiên 9/5 với giá trị bán ròng tại VHM lên tới 1.100 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 19.258 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong tuần không đón nhận quá nhiều thông tin vì thị trường đang bắt đầu vào vùng trũng thông tin vĩ mô quan trọng. Tuy nhiên, trong tuần, thị trường cũng đón nhận thông tin liên quan tới việc Mỹ sẽ xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Quá trình xem xét công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ diễn ra từ nay đến cuối tháng 7/2024.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận thêm thông tin về kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2%, cao hơn so với con số ước tính mà Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó.

Thị trường cần thêm sự ủng hộ của dòng tiền lớn. Dòng tiền đã rút ra vẫn chưa vào lại, do vậy, tâm lý sẽ còn thận trọng. Chính vì vậy, chốt lời hay cắt lỗ chưa hẳn đã là hiệu quả, mà quan trọng nhất là quản trị danh mục tốt, bởi cơ hội riêng lẻ không hẳn không có.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần tới dự kiến cũng sẽ không có nhiều thông tin tác động theo kế hoạch bình thường. Ngoại trừ việc hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 16/5, thì các thông tin về kết quả kinh doanh quý I hay một số doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông muộn sẽ không có quá nhiều tác động tới thị trường chung.

Thị trường chứng khoán: Điểm số và thanh khoản đều tăng, nhưng áp lực bán cũng tăng dần

Thị trường tuần tới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 1.250 điểm. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang xuất hiện những tín hiệu yếu hơn. Áp lực bán chốt lời đã gia tăng vào hai phiên cuối tuần và có thể còn tiếp diễn. Áp lực này dù có thể không quá lớn và lực cầu bắt đáy cũng đã xuất hiện, tuy nhiên, thanh khoản đang có vẻ yếu đi. Mặc dù việc thị trường chịu áp lực chốt lời là dễ hiểu vì quá trình tăng khá tốt kể từ sau kỳ nghỉ, song cơ hội tăng tiếp đang gặp lực cản, đặc biệt là dòng tiền chưa mạnh lên.

Trong bối cảnh thị trường hiện tại, thị trường cần thêm sự ủng hộ của dòng tiền lớn. Dòng tiền đã rút ra vẫn chưa vào lại, do vậy, tâm lý sẽ còn thận trọng. Chính vì vậy, chốt lời hay cắt lỗ chưa hẳn đã là hiệu quả, mà quan trọng nhất là quản trị danh mục tốt, bởi cơ hội riêng lẻ không hẳn không có.

Theo các chuyên gia của SHS Research, sau nhiều phiên tăng điểm, VN-Index trong ngắn hạn đã tiến tới gần vùng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm là vùng hỗ trợ đã đánh mất trước đó và hiện cũng là vùng trên của khu vực tích lũy trung hạn. Diễn biến rung lắc liên tiếp của thị trường trong 3 phiên cuối tuần cũng cho thấy áp lực bán tại vùng này. Nếu không sớm bứt phá với động lực tốt và duy trì giao dịch trên vùng kháng cự nói trên trong các phiên tới, chỉ số sẽ có thể có nhịp điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn. VN-Index tiếp tục rung lắc quanh vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm, vì thế, nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi giá ở vùng giá hiện tại và kiên nhẫn chờ đợi./.