Thị trường chứng khoán: Khoảng lặng trước cơn sóng mới?
Giai đoạn trầm lắng vừa qua có thể là cơ hội để thị trường chứng khoán tích lũy và chuẩn bị cho những bước tiến mới khi các doanh nghiệp bước vào cao điểm công bố báo cáo tài chính quý III/2024.
Từ đầu tuần này, các doanh nghiệp bước vào cao điểm công bố báo cáo tài chính quý III
“Thị trường giao dịch quá buồn tẻ”, một chuyên gia ngành quỹ nhận xét về diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua.
Đây cũng là góc nhìn của nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích. Trong nhóm chứng khoán với gần 900 thành viên, nhiều người thể hiện tâm trạng chán nản trước hiện tượng “sáng xanh, chiều đỏ” diễn ra thường xuyên trong các phiên.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.287,94 điểm, phần lớn các chỉ số ngành bị giảm điểm, ngoại trừ ba chỉ số ngành tăng điểm so với tháng trước, gồm chỉ số ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 4,45%, chỉ số ngành tài chính (VNFIN) tăng 3,6% và chỉ số ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 2,17%. Thị trường có khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 643 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 15.918 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 0,95% về khối lượng và 3,39% về giá trị so với tháng 8/2024. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.316 tỷ đồng.
Bước sang tháng 10, tình hình chưa có sự cải thiện. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (18/10/2024), chỉ số VN-Index lùi về 1.285,46 điểm, giảm nhẹ so với phiên trước đó và đi ngang so với thời điểm cuối tháng 9. Thanh khoản duy trì quanh mức 15.000 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền vẫn dè dặt quan sát.
Vị chuyên gia ngành quỹ lý giải, giai đoạn vừa qua, không có nhiều thông tin hỗ trợ với thị trường chứng khoán, ngoài một số doanh nghiệp đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III trước khi công bố chính thức vào tháng 10. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán Việt Nam không hoàn toàn ảm đạm.
Vị này nhìn nhận, nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn khá vững chắc, cộng với nhiều yếu tố tích cực khác sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Giai đoạn trầm lắng hiện tại có thể được xem như một cơ hội để thị trường tích lũy và chuẩn bị cho những bước tiến mới trong tương lai.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm nhận định, mùa báo cáo tài chính quý III/2024 dự kiến sẽ ghi nhận sự phân hóa mạnh về kết quả kinh doanh giữa các nhóm ngành và giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Nhóm ngân hàng nhiều khả năng vẫn là điểm sáng của cả thị trường, với nhiều đại diện có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số. Điều này chủ yếu nhờ vào sự gia tốc của tăng trưởng tín dụng trong quý III so với hai quý đầu năm. Một số lĩnh vực khác có thể ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ như công nghệ, logistics, bán lẻ.
Ông Tâm cho rằng, tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là chờ đợi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III tốt để mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp đó, nhưng ông lưu ý rằng, giá cổ phiếu thường có phản ứng trước khi báo cáo tài chính được công bố. Đơn cử, thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng tốt trong giai đoạn vừa qua. Kết quả kinh doanh tích cực nên được xem là một trong nhiều yếu tố khi nhà đầu tư cân nhắc mở vị thế, bên cạnh các yếu tố kỹ thuật như điểm mua, nền giá, sức mạnh giá...
Còn theo góc nhìn của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhìn chung, hai quý đầu năm, các nhóm ngành đều ghi nhận sự phục hồi nên kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm. Thị trường bất động sản dù đã ấm lên nhưng năng lực tài chính của các doanh nghiệp vẫn là một dấu hỏi lớn. Song đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch, tài chính lành mạnh bật lên trong thời gian tới.
Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong danh sách theo dõi của SSI Research được dự báo sẽ tăng 15,5% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 19,6% trong năm 2025. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều nhóm ngành. Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm có thể đạt mức 21,7%, tăng tốc đáng kể so với mức 6,2% trong nửa đầu năm.
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán