Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 10 của năm 2024 với mức sụt giảm đáng kể cùng thanh khoản ở mức thấp.
Chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, chỉ số VN-Index khó có khả năng vượt mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, sang năm 2025, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến khởi sắc.
Chỉ số VN-Index giảm trong tháng 10-2024. Ảnh: Trọng Hiếu
VN-Index giảm hơn 23 điểm trong tháng 10
Kết thúc phiên giao dịch tháng 10-2024, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1.264,48 điểm, giảm 23,46 điểm (-1,82%) so với tháng 9-2024. Ghi nhận cho thấy, thanh khoản sụt giảm vào đầu tháng và tăng vào cuối tháng. Song tính chung cả tháng, thanh khoản vẫn ở mức thấp, cho thấy dòng tiền phần lớn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại khi áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng, và điều này đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Trong những phiên đầu tháng 11, thị trường diễn biến tăng, giảm đan xen, chỉ số VN-Index xuống dưới mức 1.250 điểm, sau đó vượt mức trên. Đến phiên 8-11, chỉ số VN-Index giảm 7,19 điểm (-0,57%), xuống mức 1.252,56 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 14.000 tỷ đồng.
Trước đó, quý III-2024, thị trường tăng 3,4% so với quý II-2024. Tuy nhiên, thanh khoản sụt giảm tới 25% bởi việc chỉ số VN-Index nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, động lực giao dịch giảm sút. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã có quý I-2024 diễn biến tích cực với sự tăng trưởng mạnh về chỉ số cũng như thanh khoản. Tuy nhiên, sau đó, chỉ số VN-Index đi ngang, xoay quanh mức 1.250 điểm.
Dự báo về thị trường trong thời gian tới, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, trong tháng 11-2024 có một số sự kiện tác động đến thị trường. Đó là cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ. Theo thống kê trong lịch sử, thông thường trước và trong thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường có đợt rung lắc và điều chỉnh khá mạnh. Tuy nhiên, đa phần thị trường đều tăng điểm sau kết quả bầu cử. Ngoài ra, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh giảm thêm lãi suất. Điều này có thể mở ra cơ hội cho thị trường chứng khoán, vì làm giảm áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, mức định giá thị trường đang quay trở lại hấp dẫn; yếu tố vĩ mô trong nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho thị trường.
Khó vượt mốc 1.300 điểm?
Theo các chuyên gia, hiện có 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Kịch bản cơ sở là chỉ số VN-Index tăng đến mốc 1.300 điểm. Trong trường hợp tích cực hơn, chỉ số đại diện sàn thành phố Hồ Chí Minh có thể vượt mốc 1.300 điểm, song cần chất xúc tác mạnh hơn. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện là dòng tiền chưa trở lại, mà vẫn đang loay hoay vào kênh đầu tư có chu kỳ tăng khá tốt như vàng và gần đây nhất là đất nền.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, VN-Index đã nhiều lần chạm ngưỡng 1.300 điểm song đều chững lại, bởi mỗi lần chỉ số tiến gần đến vùng này, áp lực bán lại gia tăng mạnh mẽ.
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Trần Thị Lan Anh nhìn nhận, Tổng thống Mỹ thứ 47 đã được xác nhận là ông Donald Trump đắc cử sẽ gây nên một số sự xáo trộn tích cực trên thị trường. Nhiều ngành của Việt Nam sẽ được hưởng lợi như dệt may, thủy sản, công nghệ, gỗ nội thất..., song cũng sẽ có một số khó khăn cần lường trước là thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng. Hiện nay, dòng tiền nội đang yếu và dòng tiền ngoại thì chưa quay trở lại, trong khi một số quỹ lớn sẽ cơ cấu danh mục đầu tư quý IV, từ đó tạo nên sự biến động lớn về cung - cầu tại một thời điểm. Vì vậy, chỉ số VN-Index sẽ khó vượt được mốc 1.300 điểm từ nay đến cuối năm.
“Tôi duy trì quan điểm tích cực về xu hướng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường sẽ tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là những động lực chính cho sự phát triển bền vững của thị trường. Dù có thể thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần phải tích lũy thêm dưới 1.300 điểm để thắt chặt cung - cầu cũng như ổn định tâm lý, trước khi VN-Index bước vào xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2025 trở đi”, bà Trần Thị Lan Anh nói.
Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025 (dự kiến vào quý III-2025) khi KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc) vận hành và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu ký quỹ trước, từ đó sẽ kích thích dòng vốn ngoại và các định chế tài chính lớn “rót” tiền vào Việt Nam. Với kỳ vọng nâng hạng được hiện thực hóa, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội hút ròng được ít nhất 8 tỷ USD từ các định chế tài chính và tổ chức nước ngoài. Và trong lịch sử, khi được nâng hạng, chỉ số sẽ tăng lên khoảng 35%-40% về điểm số.
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu