Thị trường hoài nghi khả năng BoJ điều chỉnh chính sách tiền tệ

Thứ hai, ngày 24 tháng 7 năm 2023 | 10:20

Hiện, thị trường đặt cược nhiều vào kịch bản Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tại cuộc họp ngày 27-28/7, nhưng sẽ không đưa ra bất kỳ điều chỉnh chính sách nào

Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), các thị trường tài chính vẫn hoài nghi về việc liệu ngân hàng trung ương này có thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách tiền tệ siêu lỏng của mình tại cuộc họp sắp tới hay không.

Với quan điểm khá phổ biến như vậy trên thị trường, bất cứ sự điều chỉnh chính sách tiền tệ nào của Nhật Bản cũng có thể gây ra những tác động trên diện rộng. Tình hình có thể giống như khi BoJ bất ngờ tăng trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 0,5% hồi tháng 12/2022 để kiểm soát thị trường.

Thị trường hoài nghi khả năng BoJ điều chỉnh chính sách tiền tệ ảnh 1
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Masafumi Yamamoto, chiến lược gia thị trường tiền tệ tại công ty dịch vụ tài chính Mizuho Securities Co, cho biết trước nguy cơ BoJ có thể thay đổi lập trường nếu triển vọng lạm phát tăng cao, một số nhà đầu tư đã chuyển sang bán trái phiếu hoặc mua vào đồng yen.

Những kỳ vọng đã giúp đồng yen phục hồi trong hai tuần qua, sau khi chạm mức thấp nhất trong bảy tháng rưỡi là khoảng 145 yen đổi 1 USD vào cuối tháng 6. Vào thời điểm đồng yen xuống đáy như vậy, thị trường đã có những đồn đoán về khả năng các cơ quan tiền tệ Nhật Bản can thiệp thông qua mua vào đồng tiền này.

Đến hiện tại, triển vọng thu hẹp chênh lệch trong lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ cũng giúp xoa dịu đà giảm giá gần đây của đồng yen so với đồng bạc xanh và các đồng tiền chủ chốt khác.

Nhưng nhận xét ngày 18/7 của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda rằng, Nhật Bản vẫn cần thêm thời gian nữa mới đạt được mục tiêu lạm phát 2% cho thấy quan điểm hiện thời của BoJ.

Đó là các quan chức của ngân hàng trung ương hiện thấy chưa cần phải giải quyết “tác dụng phụ” của chương trình kiểm soát đường cong lợi suất. Diễn biến này đã khiến đồng nội tệ Nhật Bản suy yếu một lần nữa.

Kết thúc phiên 21/7, tại thị trường New York (Mỹ), đồng yen được giao dịch trong biên độ 141 yen đổi 1 USD.

Khi vẫn chật vật trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ với giảm phát, BoJ đã khẳng định rằng tăng trưởng tiền lương cần phải mạnh hơn nữa để nền kinh tế đạt được mức lạm phát ổn định 2%.

 

Giới phân tích nhận định, cách tiếp cận thận trọng của BoJ bắt nguồn từ niềm tin rằng rủi ro lạm phát giảm quá mức sau khi tăng lãi suất là lớn hơn đáng kể so với rủi ro lạm phát tăng lên nếu lãi suất không tăng.

Theo ông Yamamoto, BoJ đã rút ra bài học từ quá khứ rằng lạm phát ở một mức độ nào đó có thể tốt hơn là kịch bản giảm phát trở lại. Hiện, thị trường đặt cược nhiều vào kịch bản BoJ sẽ điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tại cuộc họp ngày 27-28/7, nhưng sẽ không đưa ra bất kỳ điều chỉnh chính sách nào.

Ông Makoto Sengoku, nhà phân tích thị trường chứng khoán cấp cao tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo nhận định, mặc dù khả năng BoJ điều chỉnh chính sách tại cuộc họp tháng này đang giảm nhanh chóng, vẫn không thể loại trừ khả năng ngân hàng trung ương điều chỉnh vào cuối năm. Điều này còn tùy thuộc vào biến động của đồng yen, vốn có thể gây áp lực tăng giá thông qua chi phí nhập khẩu cao hơn.

Nhưng một số người tham gia thị trường cho rằng đã đến lúc để BoJ thay đổi chính sách, khi cuối cùng cũng xuất hiện dấu hiệu cho thấy các công ty đang thay đổi hành vi kể từ khi Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát.

Các công ty lớn trong năm nay đã đưa ra mức tăng lương trung bình 3,58% trong các cuộc đàm phán lương hàng năm, đánh dấu mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống dễ biến động) vẫn duy trì trên ngưỡng mục tiêu của BoJ hơn một năm qua.

Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh tăng triển vọng lạm phát, dự đoán rằng giá cả, bao gồm các mặt hàng năng lượng và thực phẩm tươi sống, sẽ tăng 2,6% trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 31/3/2024) thay vì như ước tính trước đó là 1,7%.

Các nhà phân tích đánh giá từ góc độ chính trị, khả năng về một sự thay đổi chính sách vào cuối năm sẽ mang lại quá nhiều rủi ro cho thị trường chứng khoán, khi Nhật Bản có thể tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu năm nay.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Ảnh: Reuters

TIN LIÊN QUAN

FED duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ

Ngoài ra, cuộc họp cuối tháng Bảy cũng được coi là thời điểm tối ưu để BoJ đưa ra một động thái nếu có. Vì FED phần lớn được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất lần cuối trong tháng này trước khi kết thúc chu kỳ.

Ông Yukio Ishizuki, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Daiwa Securities Co, đánh giá việc BoJ điều chỉnh chương trình tiền tệ phù hợp với tiến trình của phía FED sẽ giúp giảm thiểu tác động lên thị trường. Nếu BoJ hành động một mình sau khi FED kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, điều đó có thể gây những gián đoạn sâu rộng.