Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có phiên đầy kịch tính trong ngày đáo hạn phái sinh

Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2022 | 0:36

VN-Index giữ được sắc xanh nhạt; Nợ tái cơ cấu dần bộc lộ chất lượng; Chuyên gia Dragon Capital: Định giá đang tốt, đây là vùng để đầu tư, tích sản; “Nhắm mắt” mua cổ phiếu; Liên hợp quốc hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 về mức 3,1%... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/5 không đổi so với cuối ngày hôm qua, vào cuối giờ chiều này, giá vàng SJC tại Hà Nội đã tiếp tục chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 68,25 – 69,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ nhích nhẹ 1,3 USD/ounce lên 1.817 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi dần và tiến gần tới mốc 1.830 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,49 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.142 đồng/USD, tăng 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.025 – 23.305 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 28.700 USD, thì sang phiên hôm nay chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,62 USD (-1,48%), xuống 107,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,42 USD (-1,30%), xuống 107,69 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index giữ được sắc xanh

Thị trường đã có phiên đầy kịch tính trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh. Những nhịp kéo đẩy liên tục khiến nhiều nhà đầu tư khó lường.

Trong phiên sáng, VN-Index mở cửa giảm hơn 29 điểm, nhưng sau đó đã được kéo từ từ lên trên tham chiếu, trước khi đóng cửa nghỉ trưa với mức giảm nhẹ.

Sang phiên chiều, sau thời gian đầu giằng co, VN-Index một lần nữa bị đẩy xuống hơn 10 điểm theo nhịp của VN30, nhưng trong những phút cuối, đã được kéo lên đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,45 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 90,45 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/5: VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,07%), lên 1.241,64 điểm; HNX-Index giảm 1,82 điểm (-0,59%), xuống 308,02 điểm; UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,16%), xuống 94,58 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall lao dốc trong phiên ngày thứ Tư (18/5), với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, sau khi các hãng bán lẻ lớn cảnh báo áp lực tăng giá, khiến nhà đầu tư thêm lo ngại lạm phát.

Thị trường chịu tác động mạnh, sau khi các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Target Corp và Walmart đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I yếu kém và cảnh báo áp lực chi phí gia tăng, khiến nỗi lo ngại về tình hình lạm phát sẽ xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp và làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Phiên này, cổ phiếu các cổ phiếu tăng trưởng megacap nhạy cảm với lãi suất cũng giảm mạnh với Amazon, Nvidia và Tesla giảm gần 7%, trong khi Apple giảm 5,6%.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Dow Jones giảm 1.164,52 điểm (-3,57%), xuống 31.490,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 165,17 điểm (-4,04%), xuống 3.923,68 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 566,37 điểm (-4,73%), xuống 11.418,15 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, sau khi Phố Wall lao dốc qua đêm do lo ngại rằng lạm phát tăng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp và dẫn đến suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,89% xuống 26.402,84 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,31% xuống 1.860,08 điểm.

Seiichi Suzuki, Trưởng nhóm phân tích thị trường chứng khoán tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, cho biết: “Với việc cổ phiếu Mỹ mất đà, cổ phiếu Nhật Bản khó có thể tăng giá. Nhưng chỉ số Nikkei 225 tương đối vững chắc, một phần là do đồng yên yếu hơn khiến cổ phiếu Nhật Bản trông rẻ hơn và giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng”.

Phiên này, cổ phiếu Fast Retailing giảm 3,12% và nhà sản xuất thiết bị chip Tokyo Electron mất 3,42% và SoftBank Group giảm 1,6% đã gây áp lực lớn nhất đến Nikkei 225.

Các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng giảm 1,81% trong khi Toyota Motor và công ty con Denso lần lượt giảm 1,91% và 2,22%.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi sau những tổn thất trước đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài đặt cược rằng việc nới lỏng khóa các biện pháp phong tỏa có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế,

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,36% lên 3.096,96 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,19% lên 3.999,60 điểm.

Mang lại một số hy vọng cho nhà đầu tư, các nhà chức trách ở Thượng Hải đã công bố thêm kế hoạch gỡ bớt hạn chế ở các khu vực đang phong tỏa.

Các biện pháp nới lỏng được nới lỏng là một chất xúc tác tiềm năng cho đầu tư nước ngoài lớn, Andy Maynard, người đứng đầu bộ phận cổ phiếu tại China Renaissance ở Hồng Kông, cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, theo chân phiên đêm qua trên phố Wall, với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,54% xuống 20.120,68 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,68% xuống 6.899,19 điểm.

Các công ty công nghệ đều giảm, khiến chỉ số phụ theo dõi ngành mất 3,98%, trong đó, Tencent Holdings giảm 6,51%.

Tencent cho biết hôm thứ Tư rằng lợi nhuận quý vừa qua của họ đã giảm một nửa so với một năm trước và doanh thu bị đình trệ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, do doanh số bán lẻ và dữ liệu sản xuất ổn định của Mỹ làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế, mặc dù lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn còn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 5,54 điểm, tương đương 0,21% lên 2.625,98 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,74% và SK Hynix tăng 0,89%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,37%.

Kết thúc phiên 19/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 508,36 điểm (-1,89%), xuống 26.402,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,99 điểm (+0,36%), lên 3.096,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 523,60 điểm (-2,54%), xuống 20.120,68 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 33,64 điểm (-1,28%), xuống 2.592,34 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ tái cơ cấu dần bộc lộ chất lượng

Yêu cầu tái cơ cấu các khoản nợ do ảnh hưởng dịch khiến nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng lên, nhưng việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện sau dịch khiến yếu tố này không quá đáng ngại..>> Chi tiết

- Chuyên gia Dragon Capital: Định giá đang tốt, đây là vùng để đầu tư, tích sản

Các chuyên gia và nhà đầu tư trên thế giới đang lo lạm phát nếu không kiểm soát được trong 1 năm tới thì Fed sẽ tăng lãi suất rất mạnh, qua đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các thị trường lao động, tài chính…>> Chi tiết

- “Nhắm mắt” mua cổ phiếu

Khi các ngưỡng điểm của chỉ số được xem là đáy, liên tục bị xuyên thủng, việc dự báo tương lai thị trường chứng khoán trở nên khó khăn, nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư lựa chọn mua vào khi cổ phiếu bị bán tháo..>> Chi tiết

- Liên hợp quốc hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022 về mức 3,1%

Theo báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới (WESP) mới nhất của Liên hợp quốc, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng 3,1% trong năm nay, giảm so với dự báo 4% được đưa ra hồi tháng Một..>> Chi tiết

 

 

Nguồn https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-chung-khoan-co-phien-day-kich-tinh-trong-ngay-dao-han-phai-sinh-post297869.html