Thị trường tiền tệ "nín thở" chờ thông tin cán cân thương mại và FDI tháng 10

Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024 | 14:8

Tháng 10 sắp khép lại và giới tài chính đang dõi theo các thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vì các dữ liệu này kỳ vọng có thể là yếu tố quan trọng có thể hỗ trợ ổn định tỷ giá, đặc biệt sau gần 1 tháng diễn biến đồng USD “nổi sóng”.

Thị trường tiền tệ
Sáng ngày 29/10, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.252 đồng/USD. Ảnh tư liệu

Tốc độ bán tín phiếu đã chậm lại

Sau khi kích hoạt đợt bán tín phiếu trên thị trường mở bắt đầu từ hôm 18/10, tốc độ bán tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong một số phiên gần đây đã giảm đáng kể. Trong các phiên từ 24 - 25/10, NHNN bán ra mỗi phiên chỉ từ 3,25 nghìn tỷ đồng đến 4,5 nghìn tỷ đồng tín phiếu; riêng trong phiên ngày 28/10, NHNN chỉ bán ra 800 tỷ đồng tín phiếu. Lượng tín phiếu bán ra theo đó đã giảm đáng kể so với các phiên đầu trong đợt bán tín phiếu lần này, cụ thể như trong phiên ngày 18/10, NHNN bán ra 12,3 nghìn tỷ đồng tín phiếu; phiên ngày 21/10 bán ra 21,65 nghìn tỷ đồng tín phiếu; phiên ngày 22/10 bán ra 12,45 nghìn tỷ đồng tín phiếu…

Động thái bán tín phiếu của NHNN diễn ra sau một chu kỳ tỷ giá có tín hiệu tăng khá mạnh kể từ đầu tháng 10. Tỷ giá trung tâm từ 1/10 đến 18/10 tăng từ 24.081 đồng/USD lên 24.213 đồng/USD (tăng 0,55%); tỷ giá bán ra tại Vietcombank trong giai đoạn này cũng tăng từ 24.770 đồng/USD lên 25.340 đồng/USD (tăng 2,3%).

Sau khi NHNN thực hiện bán tín phiếu từ hôm 18/10, tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với USD vẫn tiếp tục có thêm vài ngày tăng và lập đỉnh vào hôm 24/10, sau đó có một chút điều chỉnh giảm nhẹ từ đó đến nay. Sáng ngày 29/10, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 24.252 đồng/USD, giảm được 8 đồng/USD so với hôm 24/10; tỷ giá bán ra tại Vietcombank 25.494 đồng/USD, giảm 9 đồng/USD so với hôm 24/10.

Các yếu tố trong ngoài đan xen

Diễn biến tỷ giá trong nước nóng lên trong tháng 10 chịu tác động bởi cả các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Yếu tố bên ngoài có thể thấy rõ nhất là diễn biến tăng rất mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD đã tăng một mạch từ mức chỉ hơn 100 điểm hồi cuối tháng 9 lên mức trên 104 điểm hiện nay.

Với yếu tố bên trong, đầu tháng 10 Tổng cục Thống kê công bố tình hình xuất nhập khẩu cho thấy trạng thái cán cân thương mại tuy vẫn xuất siêu, nhưng có tín hiệu về sụt giảm khá mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 tuy vẫn xuất siêu 2,29 tỷ USD, giảm chỉ còn hơn nửa so với con số xuất siêu 4,53 tỷ USD trong tháng 8.

Điều đáng chú ý là số liệu về cán cân tổng thể về thanh toán quốc tế được NHNN tổng hợp cho thấy, nền kinh tế thâm hụt 6,066 tỷ USD trong quý II/2024. Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc kinh doanh số, Công ty chứng khoán VPBank cho biết, nhìn cụ thể cán cân thanh toán tổng, các hạng mục như cán cân thương mại và FDI dù cho thấy vẫn có tín hiệu tốt, nhưng cả hai hạng mục này thực chất không tốt hơn hẳn so với năm ngoái. Trong khi đó một số hạng mục khác (như vay trả nợ, đầu tư gián tiếp, “lỗi và sai sót”…) bị thâm hụt, vì vậy các biện pháp cần thực thi để bình ổn trạng thái ngoại tệ đòi hỏi sự mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Hồi hộp chờ số liệu tháng 10

Còn vài ngày nữa sẽ đến thời điểm Tổng cục Thống kê công bố chính thức số liệu kinh tế - xã hội tháng 10 và số liệu lần này được giới tài chính ngóng chờ với tâm trạng khá hồi hộp. Lý do là, diễn biến xuất nhập khẩu và tình hình giải ngân vốn FDI vẫn được coi là “điểm tựa” khá quan trọng cho nền kinh tế ở góc độ cân đối cung cầu ngoại tệ trong giai đoạn hiện tại.

Về tình hình giải ngân vốn FDI, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 9 vừa qua được ghi nhận là “điểm sáng” thu hút FDI với gần 3,2 tỷ USD vốn FDI thực hiện trong tháng, tăng gần gấp đôi so với tháng 9. Trong đó, con số vốn FDI thực hiện trong tháng 9 cũng ghi nhận mức cao nhất trong 9 tháng năm 2024. Theo đó, đà tăng tốc của vốn FDI trong tháng 9 có thể tiếp tục duy trì trong tháng 10 và các tháng tiếp theo hay không sẽ được giới tài chính dõi theo từng bước.

Trong khi đó, tình hình xuất nhập khẩu đang cho thấy tín hiệu không thực sự quá lạc quan. Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 (từ ngày 1/10 đến ngày 15/10/2024) đạt 31,93 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 4,53 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2024 đạt 15,78 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 968 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024. Với số liệu này, trạng thái xuất siêu của nửa đầu tháng 10 chỉ còn vẻn vẹn 0,37 tỷ USD.

Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia cũng đang đặt kỳ vọng về sức phục hồi của các thị trường tiêu thụ trên thế giới có thể sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam cho một chu kỳ xa hơn, có thể theo quý hoặc năm. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho biết, môi trường tín dụng toàn cầu nới lỏng, cùng với thu nhập thực tế được cải thiện (nhờ lạm phát giảm), sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển. IMF mới cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm 2025 lần lượt là 2,2% và 3,2%. “Tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ cho triển vọng hoạt động xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm tới”, ông Hinh nói.