Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ đầu năm đến ngày 21/6 đạt khoảng 110,2 nghìn tỷ đồng. Ảnh tư liệu |
Nhiều quy định mới được cập nhật
Thông tư 11 sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021/TT-NHNN, trong đó có nội dung bổ sung khoản 14 vào Điều 4 về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: Doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thông tư bổ sung khoản 15 vào Điều 4: Tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng phát hành hơn 63% lượng trái phiếu Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, nửa đầu năm 2024 có 41 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (69,6 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,6% (31,5 nghìn tỷ đồng). |
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, Thông tư 11 có một nội dung rất quan trọng là việc bãi bỏ khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16. Cụ thể, khoản này tại Thông tư 11 quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng không được mua lại loại trái phiếu đã bán đó. Sau 12 tháng, việc mua lại cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Bản chất của quy định này tại Thông tư 16 có ý nghĩa hạn chế việc các ngân hàng lạm dụng nghiệp vụ mua/bán trái phiếu doanh nghiệp trước và sau kỳ chốt niên độ tài chính để “xào nấu” báo cáo tài chính. Tuy nhiên, quy định này sau khi ban hành cũng gặp phải nhiều quan điểm phê phán khi cho rằng nó có tính chất “vơ đũa cả nắm”, tuy có thể phần nào ngăn chặn người gian nhưng vô hình trung cũng “trói chân” luôn cả người ngay.
Một số ý kiến giới tài chính tại thời điểm đó cho rằng, đây cũng là một trong những lý do khiến cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị trầm lắng một thời gian. Sau đó, đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN tạm ngưng hiệu lực thi hành điều khoản trên của Thông tư 16 và đến nay, Thông tư 11 đã chính thức bãi bỏ quy định này.
Rộng đường cho ngân hàng
Thông tư 11 với những quy định mới tháo gỡ các vướng mắc trong Thông tư 16 được giới tài chính kỳ vọng có thể tạo động lực cho các ngân hàng rộng chân hơn trong việc tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cả với tư cách nhà phát hành lẫn tư cách nhà đầu tư. Thời điểm đó, một trong những chuyên gia tài chính là ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SmartInvest cho biết, ngân hàng khi được tham gia mua bán trái phiếu cần phải được chủ động linh hoạt vì trong nhiều trường hợp, họ sẽ mua lại của các nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu.
Do vậy, việc Thông tư 11 có hiệu lực càng đặt ra thêm nhiều kỳ vọng cho thị trường, cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của các ngân hàng trên thị trường trái phiếu. Đặc biệt, thời điểm hiện tại cũng là lúc nhu cầu của nhóm đối tượng này cũng đang gia tăng. Ông Trần Lê Minh - Tổng giám đốc Công ty định mức tín nhiệm VIS Rating cho biết, xu hướng của năm 2024 là các ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành và phát hành rất nhiều, đây là kênh các nhà đầu tư có thể cân nhắc thay thế cho kênh tiền gửi ngân hàng. Theo đó, trái phiếu ngân hàng cũng dễ là xúc tác giúp phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây vẫn là nhóm tài sản an toàn. “Với doanh nghiệp khác thì hiện tôi chưa phân tích đầy đủ, nhưng riêng với trái phiếu ngân hàng thì cũng chưa thấy có rủi ro chậm muộn thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư” - ông Minh nói.
Ngoài ra, ở góc độ nhà đầu tư, ngân hàng cũng thường là đối tượng có ảnh hưởng lớn đối với thị trường. Theo số liệu của Bộ Tài chính, về cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư là tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tỷ trọng lớn nhất tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%), vượt khá xa so với nhóm đứng thứ hai là công ty chứng khoán (21,9%)./.