Thị trường và cú quay xe của Tân Hoàng Minh
Cú quay xe đột ngột của ông chủ Tân Hoàng Minh - trả lại lô đất ở Thủ Thiêm với mức giá cao chưa có trong lịch sử 2,45 tỷ đồng/m2 cho Nhà nước - để lại nhiều dấu hỏi cần trả lời.
Từ lòng “xót xa” đến tâm thư “xin lỗi”
Có thể nói, chưa bao giờ một vụ đấu giá đất lại chứa đựng nhiều kịch tính, như vụ mua bán này, mà đạo diễn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.
Trả lời báo chí sau vụ đấu giá, ông Dũng tỏ ra rất tự tin: "Mức giá 24.500 tỷ đồng trúng thầu lô đất thực tế không quá cao". Ông còn giải thích: "Tôi nhìn thấy nhiều cái lợi cho Tân Hoàng Minh cũng như cho TP.HCM, cho đất nước ta nếu như có được mảnh đất đó, nên tôi quyết tâm sở hữu bằng được".
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (phải) |
Theo ông, nhiều năm qua, ông thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các DN nước ngoài: "Tôi trăn trở với câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ta không cạnh tranh được với họ ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai - tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài? Vì vậy tôi quyết tâm phải có được lô đất đẹp này - kể cả bằng một cái giá mà theo nhiều người là gây sốc".
"Cuối cùng, với việc chấp nhận mua với giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, tôi muốn góp phần đặt dấu chấm hết cho tình trạng mua bán đất công với giá rẻ mạt một cách bất thường. Tôi bỏ số tiền xứng đáng với giá trị của lô đất để mua lấy sự minh bạch. Tôi có thể yên tâm thực hiện dự án trên mảnh đất đó mà không cần phải chờ đợi thủ tục, cũng chẳng phải lo những cuộc thanh tra, kiểm tra... Như vậy, có thể khẳng định là tôi mua đúng giá chứ không hề phá giá!".
Thế rồi, ngôn từ rất tự tin của nhà đầu tư này đã giảm tông trong bức “tâm thư” hôm 11/1 ông gửi các nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và TP.HCM với lời xin lỗi "chân thành nhất" để xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất.
"Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua, tập đoàn thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung", thư viết.
Hệ lụy mức nào?
Vụ trả lại lô đất đấu giá không nằm ngoài dự kiến của nhiều người hiểu biết dù sự kiện này làm chấn động truyền thông.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói tại kỳ họp Quốc hội, đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,45 tỷ đồng/m2 là “bất thường” và “làm nhiễu loạn” thị trường.
Đánh giá của ông ngay lập tức gặp phản ứng trái chiều với các luận điểm chủ yếu: Đấu giá là công khai, minh bạch, tránh được tình trạng giao đất có rủi ro thông đồng; bán được giá cao thì nhà nước hưởng lợi; kinh tế thị trường được tôn trọng.
Chắc hẳn khi Bộ trưởng nói “nhiễu loạn thị trường” là ông lo lắng về hệ quả của giá bán lô đất giá cao chưa từng có đó tác động đến nền kinh tế của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung, chứ không phải ông ấy chống lại việc đấu giá công khai, hay chống lại DN.
Ở đây, chỉ xin nói về hệ lụy của cái giá cao kỷ lục.
Trước hết, không nên nhân danh thuyết âm mưu mà hãy cùng xem báo chí phản ánh thực tiễn: Giá đất ở ngay Thủ Thiêm và các quận xung quanh đã nhanh chóng được đẩy lên sau vụ đấu giá. Giá trị tài sản đất của nhiều ông chủ tự dưng tăng nhanh nhiều lần. Ở nhiều tỉnh thành khác, giá đất cũng đang được đẩy lên cao, trong đó không ít lời biện minh được đưa ra: Nhìn vào giá đất 2,45 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm ấy!
Ở góc độ khác là việc thế chấp lô đất tại ngân hàng. Thông thường, ngân hàng định giá lô đất thế chấp thấp hơn giá thị trường 30% và cho vay tương ứng với 70% giá trị được định giá.
Bốn lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm |
Ví dụ, lô đất có giá khởi điểm gần 3.000 tỷ đồng (làm tròn), theo công thức tạm tính trên, thế chấp thì vay được 1.470 tỷ đồng. Nay lô đất có giá 24.500 tỷ đồng, DN có thể vay được gần 12.000 tỷ, tức cao gấp 8 lần. Đó là tiền tươi, thóc thật, bên vay cũng vui, bên cho vay cũng mừng, các ông chủ đất khác cũng sướng.
Tất nhiên, ngân hàng định giá và cho vay không chỉ căn cứ đơn giản vào giá thầu của 1 lô đất cụ thể như trên mà còn căn cứ vào phương pháp tính và nhiều hồ sơ, giấy tờ, năng lực của người vay. Song, vấn đề ở chỗ, khi mặt bằng giá đất đã được đẩy lên, thì số vốn vay ngân hàng chắc chắn sẽ được đẩy lên tương ứng, tạo ra một vòng quay mới: giá đất tăng, vay tăng, đầu tư vào đất để giá đất tiếp tục tăng…
Song, giá đất cao như vậy có làm thị trường ngày càng méo mó? Ai cũng (muốn) đổ xô vào đầu tư, đầu cơ bất động sản, dòng tiền bị lái ra khỏi sản xuất kinh doanh thực, công ăn việc làm không được tạo ra. Giá đất đẩy cao bất thường đe dọa an sinh, làm tăng cao chi phí cơ sở hạ tầng, làm chi phí hàng hóa, dịch vụ leo thang dẫn tới hàng hoá dịch vụ của TP.HCM kém cạnh tranh...
Hoặc, ở một kịch bản nghịch, giá đất cao ngất như vậy có thể làm đông cứng thị trường, không thu hút được đầu tư vào TP, nơi tăng trưởng đã âm tới gần 25% trong quý 3/2021.
Hơn nữa, giá đất cao tới 2,45 tỷ đồng/m2 làm sao giúp giải thích với những người dân ở Thủ Thiêm từng bị thu hồi đất với giá tương đương “3 bát phở”/m2?
Rốt cục, kinh tế thì không phát triển, xã hội lại căng thẳng. Hệ lụy này cần rất cảnh giác; các nhà điều hành kinh tế có trách nhiệm và người dân rất khó chấp nhận sau đợt dịch bệnh tang thương.
Vì thế, “làm nhiễu loạn” thị trường là nói về cái hệ lụy kinh tế - xã hội như phân tích trên chứ không phải về quy trình đấu giá minh bạch và công khai mà nhà nước cần phải bảo vệ.
Xử lý vụ việc này nên theo thị trường hơn là hành chính, như cách nó bắt đầu trong phiên đấu giá.
Một nhà kinh tế nhắn nhủ: Vận hành các công cụ thị trường để kiểm soát kết quả đấu giá mới là điều cần làm: đồng bộ, minh bạch, các chủ thể phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản, hành chính, hình sự... Không vì bệnh này lại dùng thuốc kia. Nếu không, thật tiếc, với tư cách đại diện chủ sở hữu về đất đai và tài sản nhà nước khác mà khi tổ chức đấu giá lại than quá thấp, hay kêu quá cao, bán được giá lúc thì mừng đỏ da, lúc lại lo tái mặt.
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/thi-truong-va-cu-quay-xe-cua-tan-hoang-minh-808699.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá